Phát biểu ý kiến khai mạc hội thảo, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cho biết, giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã giành được những thành tựu nhất định, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về kết quả tăng trưởng kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy vậy, Việt Nam vẫn tồn tại những điểm hạn chế, trong đó có tình trạng thiếu lao động trình độ cao cả về số lượng và chất lượng, nhất là các chuyên gia đầu ngành. Đây là yếu tố then chốt có tính quyết định tới quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam.

Ảnh minh họa

Chính vì vậy, Chiến lược đang xây dựng được kỳ vọng sẽ đề xuất nhiều quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp đột phá nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong phát triển đội ngũ trí thức trong thời gian qua, khắc phục những hạn chế kìm hãm sự phát triển đội ngũ trí thức, đồng thời tận dụng những cơ hội và điều kiện thuận lợi sẵn có, chủ động đối mặt với thách thức đặt ra đối với đội ngũ trí thức Việt Nam, phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.

Trên cơ sở phân tích thực trạng của đội ngũ trí thức Việt Nam, đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội trong nước và thế giới, dự thảo chiến lược đặt ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính xuyên suốt, định hướng cho sự phát triển của đội ngũ trí thức Việt Nam trong giai đoạn tới với 2 mục tiêu tổng quát và 3 nhóm chỉ tiêu cụ thể về phát triển đội ngũ trí thức, về đóng góp của đội ngũ trí thức và về đầu tư để phát triển đội ngũ trí thức.

Chiến lược cũng đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung áp dụng cho tất cả các nhóm trí thức và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp riêng áp dụng riêng cho một số nhóm trí thức đặc thù.

Lê Hợp, Lê Thị Thúy, Đặng Hoài Thanh