"Tá hoả” tra cứu khi thấy bạn bè bị phạt nguội
Anh Đỗ Nam Dương (43 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) đang sở hữu chiếc xe hiệu Toyota Corolla Altis. Cách đây vài ngày, anh bất ngờ nhận được giấy thông báo vi phạm của Phòng CSGT - Công an TP. Hà Nội gửi về nhà vì lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư Quán Thánh - Thanh Niên.
Lục lại trí nhớ, đúng là vào một ngày đầu tháng 10 anh có lái xe đi qua cung đường này vào đầu giờ chiều. Thời điểm đó do vội, cộng với việc đường vắng nên anh đã thản nhiên vượt đèn đỏ. Thế nhưng, hành vi vi phạm này không qua mắt được hệ thống camera giao thông tại đây.
“Cứ nghĩ không ảnh hưởng đến ai, lại không có bóng “áo vàng” nên tôi liều vượt, thế nhưng vẫn không thể thoát được. Hình ảnh vi phạm cũng rõ cả biển số, ngày giờ và địa điểm vi phạm”, anh Dương nói.
Danh sách phương tiện vi phạm được công khai trên nhiều cổng thông tin. Ảnh do Phòng CSGT - Công an TP. Hà Nội cung cấp |
Chia sẻ câu chuyện của mình với bạn bè, nhiều người quen của anh Dương không khỏi “chột dạ” vì có thể thời điểm nào đó đã vi phạm giao thông mà không biết. Một số người liền tra cứu trên hệ thống và không ít trong số đó đã “dính" phạt nguội.
Anh Nguyễn Đình Phong (40 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, cách đây khoảng 1 tháng, do mải nói chuyện, anh đã không để ý nên vượt đèn đỏ tại ngã tư Giảng Võ – Láng Hạ, khi vượt qua rồi anh mới “giật mình” nhận ra. Sau đó khoảng một tuần, anh tra cứu trên mạng thì đúng là xe mình đã bị “bêu tên” lên hệ thống.
Trên thực tế, nhiều người đã thử tra cứu và “tá hoả” khi biết mình bị phạt nguội từ lúc nào, thậm chí có phương tiện vi phạm nhiều lần, đến khi có giấy thông báo gửi đến thì chủ xe mới biết.
Giao diện website tra cứu phạt nguội của Phòng CSGT - Công an TP. Hà Nội |
Thông tin từ Phòng CSGT - Công an TP. Hà Nội, chỉ tính riêng từ đầu năm đến hết ngày 14/11, đơn vị này đã phát hiện xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống camera đối với 6.624 trường hợp, trong đó gửi 2.947 thông báo phạt nguội đến chủ xe; tổng số tiền phạt trên 7,18 tỷ đồng.
“Phương tiện bị phạt nguội nhiều nhất vẫn là xe con, sau đó là xe tải, taxi và xe khách. Lỗi vi phạm chủ yếu được phát hiện qua hệ thống camera là không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; đi sai phần đường, làn đường và dừng đỗ, đón trả khách sai quy định”, đại diện Phòng CSGT - Công an TP. Hà Nội chia sẻ với VietNamNet.
TP. Hà Nội đang tăng cường lắp đặt các camera giao thông, đặc biệt tại các khu vực "nóng" như bến xe, nút giao trọng điểm,... |
Để việc phạt nguội phát huy hiệu quả
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc xử phạt nguội phương tiện vi phạm là xu hướng mà các nước trên thế giới đã áp dụng từ hàng chục năm nay. Tuy vậy, để áp dụng triệt để ở Việt Nam vẫn cần nhiều thời gian.
“Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã đầu tư lắp đặt hệ thống camera phạt nguội nhưng thực tế mới chỉ là hỗ trợ lực lượng chức năng phát hiện vi phạm, sau đó vẫn phải dừng phương tiện để xử phạt, chưa phải là phạt nguội một cách đầy đủ”, một chuyên gia giao thông nhận định.
Để công tác phạt nguội phát huy hết hiệu quả, ngoài việc tăng cường đầu tư lớn về trang thiết bị và công nghệ cần quản lý chặt việc sang tên đổi chủ khi mua bán phương tiện, gắn trách nhiệm của chủ phương tiện vào các hành vi vi phạm.
Hơn nữa, lực lượng chức năng cũng cần xử lý nghiêm các hành vi cố tình che, tẩy xóa, tô vẽ lên chữ số, làm biến dạng biển kiểm soát,… gây khó khăn cho việc phát hiện, nhận dạng phương tiện vi phạm của camera.
Vị này cho rằng: “Khi hệ thống camera phát huy hiệu quả sẽ hỗ trợ đắc lực cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, đồng thời cũng giảm tối đa tiêu cực trong việc xử phạt vi phạm giao thông”.
Ngoài việc trang bị hệ thống camera, cần nhiều giải pháp đồng bộ khác để tăng tính hiệu quả phạt nguội. |
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, PGS. TS Tâm lý học Nguyễn Thị Thanh Hồng – Giảng viên cao cấp trường ĐH Sư phạm Hà Nội đồng tình với ý kiến nên tăng cường phạt nguội và cho rằng, điều này là cần thiết để tác động đến ý thức và hành vi của người tham gia giao thông.
“Khi người điều khiển phương tiện di chuyển trên một đoạn đường có camera quan sát và có thể bị phạt nguội khi vi phạm thì tâm lý sẽ không dám đi ẩu. Điều này khác với tâm lý đối phó với CSGT của nhiều người hiện nay”, PSG.TS Hồng nhận định.
Bị CSGT xử phạt dù bằng phương thức nào đi chăng nữa cũng là điều không ai mong muốn. Để hạn chế tối đa điều này, không cách nào khác là lái xe phải nâng cao ý thức, luôn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về giao thông đường bộ ngay cả khi không có bóng dáng của lực lượng chức năng.
Người dân có thể tra cứu phương tiện bị phạt nguội theo một số cách sau:
- Truy cập trang www.csgt.vn/tra-cuu-phuong-tien-vi-pham.html, sau đó điền các thông tin về biển số, loại phương tiện,… để tra cứu;
- Nếu ở Hà Nội, truy cập trang www.congan.hanoi.gov.vn/phong-csgt/tra-cuu-phuong-tien-gt, sau đó nhập chủng loại xe, biển kiểm soát, số khung,… để tra cứu;
- Nếu ở TP. Hồ Chí Minh, truy cập trang www.giaothong.hochiminhcity.gov.vn/tracuu/#home/VIPHAM, sau đó điền thông tin về biển kiểm soát, số tem giấy chứng nhận kiểm định,... để tra cứu.
Hoàng Hiệp
Bạn có đề xuất gì để công tác phạt nguội đạt hiệu quả? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mọi tin bài, video, hình ảnh cộng tác vui lòng gửi về Ban Ô tô xe máy - báo VietNamNet qua địa chỉ email: Otoxemay@vietnamnet.vn. Nội dung phụ hợp sẽ được đăng tải. Xin trân trọng cảm ơn!
Đấu giá biển số xe: Mũi tên trúng hai đích
Đề xuất cấp biển số đẹp thông qua đấu giá của Bộ Công an đang nhận được sự quan tâm lớn của dự luận. Nếu đề xuất trên được thực hiện sẽ tạo ra lợi ích kép cho cả người dân và ngân sách Nhà nước.