Hội thảo là diễn đàn khoa học nhằm tìm kiếm giải pháp, đề xuất thiết thực với các cơ quan hữu quan về chiến lược phát triển khu kinh tế ven biển miền Trung trên cơ sở đảm bảo sự hài hòa cả ba khía cạnh: Môi trường tự nhiên, kinh tế và xã hội.

Vùng ven biển miền Trung trải dài trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận với bờ biển dài gần 2.000 km, đang có 11 khu kinh tế (KKT) vùng biển và ven biển. Thống kê thời gian qua, các KKT ven biển đã thu hút 254 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 42 tỷ USD và 1.079 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 805,2 nghìn tỷ đồng.

anh moi.jpg
Các địa phương Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đang tập trung phát triển kinh tế biển, khu kinh tế ven biển. 

Các địa phương Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đang tập trung phát triển kinh tế biển, tập trung phát triển KKT ven biển. Các KKT ven biển đã và đang có những đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế và chính trị để phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời cho phép huy động tối đa nguồn nội lực, tìm kiếm và áp dụng những thể chế và chính sách kinh tế mới để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. 

Các KKT ven biển đã và đang trở thành trung tâm quy tụ, tập trung nguồn lực và các yếu tố sản xuất của các địa phương như vốn đầu tư bao gồm cả FDI, số lượng lao động có tay nghề, trung tâm và động lực cho các địa phương và có nhiều thành tựu nhất định….

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá hoạt động của các KKT ven biển miền Trung thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cùng với đó, công tác thu hút đầu tư, đặc biệt đầu tư nước ngoài và đóng góp của KKT ven biển miền Trung vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và vùng còn khiêm tốn, chưa tương xứng với quy mô, tiềm năng và lợi thế.

Các chuyên gia cũng cho rằng, phần lớn các KKT ven biển miền Trung chưa có được các dự án đầu tư hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật mang tính động lực thúc đẩy sự phát triển của KKT. 

Sự phát triển của các KKT ven biển vẫn chưa tạo ra động lực, sức lan tỏa và đóng góp cho nền kinh tế như kỳ vọng đặt ra như đóng góp vào tăng trưởng hiệu quả sử dụng nguồn lực còn thấp, chưa giải quyết nhiều lao động, hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp ngoài khu kinh tế và vùng phía Tây các địa phương ở đây. Việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên biển và ven biển ở nhiều nơi còn lãng phí, kém hiệu quả, đặc biệt về khai thác, sử dụng đất ven bờ biển, mặt nước biển ven bờ tại các KKT ven biển.

Từ đó tại hội thảo, nhiều nhà khoa học đã tập trung trao đổi về các vấn đề như: Thực trạng thu hút đầu tư và những thuận lợi và khó khăn trong thu hút đầu tư vào các KKT ven biển miền Trung; nhận diện các bất cập, chống chéo, mâu thuẫn trong các quy định liên quan đến đầu tư, đất đai, tài nguyên và môi trường; phân tích, đánh giá phát triển các KKT ven biển theo hướng bền vững ở miền Trung; vấn đề bảo vệ môi trường ở các KKT ven biển miền Trung; đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư vào các KKT ven biển miền Trung thời gian tới.

Theo chuyên gia, các KKT ven biển cần có sự đột phá trong tư duy phát triển với những sáng tạo và “cách làm mới” trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động kỹ thuật, nhân lực quản lý có trình độ chuyên môn, kỹ năng cao.

Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp đầu tư phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng đảm bảo thu hút FDI có hiệu quả, tranh thủ và phối hợp nhiều phương thức huy động tối đa các nguồn vốn ODA, các doanh nghiệp tư nhân, thu hút đầu tư theo các hình thức đối tác công tư PPP vào phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, cần chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, công ty đa quốc gia từ các nước có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ sạch...tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. 

Bên cạnh đó, phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ, tạo hệ sinh thái chặt chẽ, gắn kết, tham gia sâu vào chuỗi giá trị với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI...

Phạm Thiện và nhóm PV, BTV