Cơ hội phát triển công nghiệp điện tử của Việt Nam

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang là vấn đề nóng và làn sóng chuyển dịch, các chuyên gia cho rằng cần tập trung vào các giải pháp nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cơ cấu ngành công nghiệp điện tử hiện nay thì lớn nhất vẫn là tỷ trọng sản xuất điện thoại di động, máy vi tính và cac thiết bị ngoại vi. Với hơn 1,3 triệu lao động, công nghiệp điện tử là một trong những ngành thu hút nhiều lao động hiện nay.

Công nghiệp điện tử Việt Nam đang duy trì đà tăng trưởng hai con số

Trong 5 năm gần đây, ngành công nghiệp điện tử đóng góp lớn cho tổng kim ngạch xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng trung bình lên tới 13% mỗi năm. Trong đó chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp FDI. Thống kê cho thấy, hơn một nửa doanh nghiệp đã có mặt và đặt nhà máy tại Việt Nam trong đó, Samsung đứng đầu tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực điện tử, tiếp đó là LG. 

Trong bối cảnh thị trường chung bị biến động, nhiều nhà đầu tư đang chuyển hướng sang thị trường thứ ba. Chuỗi cung ứng toàn cầu đang được định hình lại theo xu hướng dịch chuyển nguồn cung để giảm phục thuộc vào một quốc gia đã mở ra cơ hội lơn cho Việt Nam.

“Việt Nam có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng xuất khẩu sang các thị trường khó tính và tăng cường thu hút FDI. Bên cạnh đó, các nước lớn cũng đang đẩy mạnh liên kết kinh tế song phương, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhận định.

Giải pháp để rút ngắn khoảng cách

Theo ông Peter Huỳnh, CEO Sun Electronics Group, với tiềm năng phát triển như hiện nay, ngành điện tử Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách và có cơ hội để phát triển khi đầu tư được cơ sở hạ tầng; xây dựng nền tảng cho đội ngũ nhân lực và đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực để tiếp thu các công nghệ, kỹ thuật hiện đại.

Đánh giá về nguồn nhân lực của CEO Sun Electronics Group, các kỹ sư Việt Nam được đào tạo tốt về công nghệ, làm việc tại nhiều tập đoàn lớn trên thế giới và có khả năng cạnh tranh với bất cứ quốc gia nào trong lĩnh vực điện tử. Do đó, để xây dựng nền tảng cho đội ngũ kỹ sư trong nước là một yếu tố cần được chú trọng. "Việt Nam cần kết nối, đẩy mạnh hợp tác giữa kỹ sư trong nước với kỹ sư Việt ở nước ngoài. Chẳng hạn như cử kỹ sư đến trực tiếp các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất ở nước ngoài để học hỏi, tiếp thu kỹ thuật hiện đại", ông Peter Huỳnh nói.

Ông này cũng cho rằng, sự hợp tác cũng nhằm thiết kế và làm ra những sản phẩm với chất lượng cao và đúng luật, tiêu chuẩn quốc tế. Sau đó chuyển giao công nghệ, sản phẩm đã hoàn thiện về cơ sở tại Việt Nam để tiếp tục sản xuất. 
 
Song song với đó, nguồn nhân lực tại Việt Nam cũng cần được đào tạo bài bản về kiến thức và thiết kế sản phẩm, sản xuất bởi làm chủ được công nghệ lõi được xem là một yếu tố quan trọng. Vị chuyên gia cho hay, với nền tảng như hiện nay, nguồn nhân lực ở Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn các trung tâm đào tạo điện tử cấp các chứng chỉ dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, các chương trình đào tạo tiêu chuẩn IPC, sản xuất EMS hay thiết kế sản phẩm.

Trong khi đó, ngành công nghiệp điện tử cung đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng theo đúng các tiêu chuẩn từ phân xưởng, nghiên cứu phát triển đến các phòng lab, thiết kế…Do đó, đầu tư vào hạ tầng cũng là yếu tố cần thiết triển nền công nghiệp điện tử phục vụ cho giai đoạn chuyển đổi công nghệ số là việc làm cấp thiết hiện nay để có thể nâng tầm giá trị Việt; nhờ đó chúng ta mới có thể cạnh tranh với các quốc gia có nền sản xuất công nghiệp điện tử phát triển như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Chuyên gia cũng đánh giá, đây là giai đoạn vàng khi các quốc gia châu Âu đang dần chuyển dịch nền kinh tế sản xuất hầu hết các ngành nghề từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á.

Về phía mình, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, Chính phủ cần tập trung đầu tư vào các công ty hàng đầu, vừa và nhỏ. Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh số hoá. Về chính sách, cần cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, thúc đẩy chuyển đổi số. Tận dụng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Có chiến lược thu hút FDI có chọn lọc.