Theo UBND tỉnh Đồng Nai từ năm 2019, địa phương này đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tiếp tục dẫn đầu trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay toàn tỉnh có 21/120 (17,5%) xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 96/120 (80%) xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 22 khu dân cư kiểu mẫu. 

Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) là huyện miền núi còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, huyện đã tập trung đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Đời sống của nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt. Tân Phú đang phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu nông thôn mới nâng cao với 13/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó có 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu).

Địa phương này cũng có những địa danh nổi tiếng như: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu du lịch Suối Mơ, hồ Đa Tôn, làng quê lúa Phú Điền, làng trầm, làng đan chổi đót, làng dệt thổ cẩm Tà Lài… Với những sản phẩm và chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng, Tân Phú đang thu hút khách tham quan cũng như mời gọi các nhà đầu tư. 

Trong đó, xã Tà Lài là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nổi tiếng với nét văn hoá của người dân tộc Châu Mạ. Tại đây, Nhà văn hóa các dân tộc được xây dựng năm 2002, ngoài ra còn có nhà dệt để người dân bảo tồn nghề dệt thổ cẩm.

Trong khuôn khổ Chương trình Quốc gia về phát triển du lịch sinh thái xung quanh các khu bảo tồn ở Việt Nam, Vườn quốc gia Cát Tiên thực hiện dự án du lịch cộng đồng với tên gọi Nhà dài Tà Lài với không gian nhà dài truyền thống người Mạ.

Công trình được xây dựng, mô phỏng nếp sinh hoạt của đồng bào dân tộc người Châu Mạ từ xưa. Nhà Dài nằm trên một con đồi nhỏ, bên dưới là đập thủy lợi Vàm Hô, sát vườn Quốc gia Cát Tiên. 

ta lai.jpg
Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của người dân tộc Châu Mạ. 

Hiện nay, khu vực nhà dài được sử dụng trong khai thác du lịch với nhiều loại hình tham quan văn hóa tộc người (làng Mạ, nghề dệt thổ cẩm, biểu diễn múa, hát dân gian người Mạ, Tày) kết hợp với môi trường tự nhiên (chèo thuyền, xe đạp địa hình, chinh phục thám hiểm rừng…).

Khách du lịch khi đến xã nông thôn mới Tà Lài sẽ được trải nghiệm không gian thiên nhiên và nét văn hoá đặc trưng của người Châu Mạ, tìm hiểu phụ nữ trong làng dệt thổ cẩm hoặc học cách dệt thổ cẩm. Du khách cũng được thưởng thức những món ăn địa phương như rượu cần, cơm lam... 

Mô hình du lịch sinh thái của nhà dài Tà Lài hoạt động khá hiệu quả tạo được việc làm cho người dân tham gia vận hành phục vụ khách tham quan, tạo được nguồn sinh kế trong tổ hợp tác của nhà dài này, cải thiện thu nhập của người dân. Đây là một chương trình nằm trong nhiệm vụ chăm lo sinh kế đời sống người dân vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Tiên. 

Những năm gần đây, huyện Tân Phú thu hút mạnh sự phát triển về các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương như sầu riêng Phú An, bưởi da xanh Tà Lài...

Những mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, homestay… phát triển khá nhanh do Tân Phú có lợi thế về rừng, thác, hồ như vườn quốc gia Cát Tiên, khu du lịch Suối Mơ, làng đồng bào dân tộc, nhà dài ở xã Tà Lài thu hút lượng khách trong và ngoài nước.

Hiện nay, huyện đang hướng tới phát triển các mô hình du lịch sinh thái, kết hợp với những đặc sản cây ăn trái của địa phương, khai thác những lợi thế sẵn có về tự nhiên và sản xuất nông nghiệp để phục vụ phát triển ngành du lịch, dịch vụ trong thời gian tới.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, hiện các xã của huyện Tân Phú đang gặp khó khăn với các tiêu chí về đường giao thông, điện, trường học, môi trường…

Thực tế, để các xã đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện cần đầu tư 69 tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn các xã với tổng chiều dài trên 74km; cần đầu tư gần 100 km đường dây trung thế và hạ thế, nâng cấp cải tạo trên 14km đường trung thế và hạ thế...

Xuân Quý và nhóm PV, BTV