Tại Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch nông nghiệp, làng nghề là những dòng sản phẩm đang được chú trọng đầu tư. Lợi thế miền sông nước, vùng sản xuất lúa gạo, cây ăn trái khiến các tỉnh miền Tây luôn hấp dẫn du khách.

Chị Trần Thị Quỳnh Hoa (Hà Nội) rất háo hức với chuyến du lịch miền Tây cùng bạn bè hồi tháng 8 vừa qua. Vừa được thăm những vườn trái cây trĩu quả, chị Hoa còn được ngắm "cá lóc bay", ăn lẩu mắm, đi xuồng qua kênh rạch...

"Khi về, chúng tôi còn mua rất nhiều bánh kẹo của Bến Tre, trái cây từ Cần Thơ để thưởng thức cũng như làm quà", chị Hoa nói. 

ntm dong nai.jpg
Vườn trái cây là điểm đến ưa thích của du khách. 

Thực tế, tại Cần Thơ, diện tích đất nông nghiệp khoảng 114.034ha (trên 79% diện tích đất tự nhiên), trong đó diện tích sản xuất lúa khoảng 76.000ha, cây ăn trái khoảng 25.000ha, diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 10.000ha. Sản lượng lúa đạt trên 1,3 triệu tấn/năm, trên 200.000 tấn trái cây, trên 250.000 tấn thủy sản.

Từ lợi thế này, Cần Thơ phát triển mô hình du lịch nông nghiệp chủ yếu theo hình thức vườn cây ăn trái. Trong đó có trên 35 khu, điểm du lịch, khoảng 30 homestay và 2 điểm du lịch cộng đồng.

Với mỗi chuyến đi, du khách được trải nghiệm những hoạt động thường ngày của người dân miền Tây, thăm làng nghề, thưởng thức cơm quê, mua sắm các sản phẩm OCOP... tuỳ theo nhu cầu, hoặc được lên lịch trình bởi các công ty lữ hành.

Một chủ vườn tại Cần Thơ cho biết trước đây chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng nay, tận dụng vườn trái cây 1,5ha, ông chuyển sang làm du lịch, đón khách mỗi tuần. Những chủ vườn cũng liên kết với nhau để đảm bảo có cây trái quanh năm phục vụ du khách.

Ngoài ra, một số điểm du lịch cộng đồng lại tạo điểm nhấn, thu hút khách với mô hình nuôi cá bè trên sông, xem cá lóc bay, xiếc ếch, cá ăn cơm bằng thìa, trải nghiệm đời sống miệt vườn.

Những làng nghề bánh tráng, làng nghề đan lưới, làng nghề hoa kiểng… cũng là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Cần Thơ.

Du lịch nông thôn ngày càng được chú trọng, kết hợp cùng với các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đến cuối năm 2023, Cần Thơ có khoảng 140 sản phẩm OCOP, gồm 70 sản phẩm 3 sao và 70 sản phẩm 4 sao. Trong đó, Làng du lịch Mỹ Khánh được công nhận là sản phẩm OCOP du lịch 4 sao đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long.

UBND TP Cần Thơ cũng ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND về triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025. Trong đó, xác định đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với phát triển du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP và các giá trị tài nguyên văn hóa bản địa, thế mạnh của từng địa phương.

mien-tay.jpg
Miền Tây sông nước luôn hấp dẫn du khách. 

Tại Bến Tre, du lịch nông thôn được định hướng theo xu thế phát triển bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với phát triển sản phẩm OCOP và các giá trị tài nguyên văn hóa bản địa.

Theo Văn phòng nông thôn mới tỉnh Bến Tre, tỉnh có tổng số 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hoạt động du lịch phát triển tại các xã này đã góp phần thay đổi diện mạo làng quê cũng như cải thiện cuộc sống của người dân.

Chính quyền các cấp và địa phương thường xuyên phối hợp tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch. Ngoài ra, tổ chức phát động các sự kiện, chương trình thiết thực như phát động “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên”, ngày chủ nhật nông thôn mới, xây dựng các tuyến đường hoa…

Bến Tre có khoảng 57 làng nghề đã được công nhận, trong đó 39 làng nghề nông nghiệp, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các làng nghề hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm việc tạo ra sản phẩm.

Hiện nay, Bến Tre đang triển khai Đề án Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách, đây là một trong những nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025, hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.

Ngoài ra, đặt mục tiêu 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến DL bằng công nghệ số...

Các địa phương đều xác định sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt gắn với bản sắc, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng.

Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn chất lượng cao, xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững…

Vân Anh và nhóm PV, BTV