Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam là 3,4%. Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (10,7%). Ngược lại, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước (0,3%).
Xét riêng về 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, các hộ gia đình Việt Nam năm 2023 thiếu hụt nhiều nhất về việc làm (39,4%), tiếp đến là trình độ giáo dục người lớn (32,4%), dinh dưỡng (22,8%) và bảo hiểm y tế (19,3%).
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nội dung “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” được thiết kế thành một dự án riêng, có mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể. Đây là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững.
Đào tạo cho người nghèo, chủ động kết nối "đầu ra" để giải quyết việc làm
Tại huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, xác định giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo, thời gian qua, huyện đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để giúp người dân thuận lợi tìm kiếm việc làm.
Xã Trung Lương là một trong những địa phương có số người "ly nông" lớn trên địa bàn huyện Định Hóa. Toàn xã hiện có gần 1.200 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu, trong đó lực lượng trong độ tuổi lao động chiếm trên 65%.
Cách đây 10 năm, khoảng 80% người dân trong xã gắn bó với sản xuất nông, lâm nghiệp thì nay con số này đã giảm rất nhiều. Trung Lương có gần 500 lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp ở trong nước và khoảng 50 lao động đang làm việc tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Gia đình chị Nông Thị Bích, xóm Khổi Chao, xã Bảo Linh, từng là hộ khó khăn của huyện Định Hoá bởi có rất ít đất sản xuất. Những công việc làm thêm như cắt gỗ rừng, phụ hồ... không đủ để trang trải cuộc sống nuôi con nhỏ. Cách đây 4 năm, khi được cán bộ xã đến nhà tuyên truyền, vận động, chị Bích đã nộp hồ sơ và xin làm công nhân tại Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình). Mức lương ổn định 7 triệu đồng/tháng từ công việc lắp ráp linh kiện điện tử giúp nâng thu nhập cho gia đình, thoát nghèo, lại có điều kiện nuôi 2 con ăn học tử tế.
Việc người dân đi lao động tại các khu, cụm công nghiệp và làm việc ở nước ngoài không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, mà còn đóng góp không nhỏ vào công tác giảm nghèo của xã, huyện.
Nếu như đầu năm 2022, xã Trung Lương có gần 11,4% hộ nghèo và 7,81% cận nghèo thì đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 7,17% hộ nghèo và 4,25% hộ cận nghèo. Trên toàn huyện Định Hoá, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn gần 10%, giảm 6,3% so với năm trước.
Hiện hơn 6.000 lao động của Định Hoá đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp ở trong và ngoài tỉnh, với mức thu nhập 6-10 triệu đồng/người/tháng; hàng trăm người đi xuất khẩu lao động, với mức thu nhập 20-30 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này giúp nhiều gia đình có vốn để đầu tư phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kết nối với các nhà tuyển dụng uy tín, phù hợp để giải quyết việc làm cho người lao động; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững nhằm khuyến khích người dân thúc đẩy, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.
Thay đổi nếp nghĩ của người dân về giảm nghèo, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề
Đào tạo nâng cao kỹ năng, nhận thức là một trong những vấn đề được đề cập sâu trong dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Các chỉ tiêu cụ thể được nêu như tạo việc làm tại chỗ, hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp, người lao động được hỗ trợ đào tạo, cùng với đó là hỗ trợ đào tạo kỹ năng, hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, để nếu người lao động có nhu cầu, có thể tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
Thực tế, để giảm nghèo bền vững, người dân cần có việc làm, sinh kế bền vững, không chỉ tăng thu nhập mà còn chủ động giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ cơ bản, làm chủ cuộc sống. Các chính sách nhân văn, kịp thời từ Trung ương và địa phương như tín dụng, nguồn vốn, kỹ thuật canh tác, chăn nuôi... là "đòn bẩy" để các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên. Nhưng quan trọng hơn, người nghèo, cận nghèo từ đó phải ngày càng nhận thức đúng đắn, từng bước thay đổi cơ bản về nếp nghĩ về giảm nghèo, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề, tìm kiếm việc làm... không trông chờ vào Nhà nước, xã hội.
Thời gian qua, trên cả nước, công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng, tay nghề để có việc làm, tự tạo việc làm, sinh kế ổn định. Đây là yếu tố quan trọng để người nghèo thoát nghèo bền vững. Có thể nói, đào tạo nghề là “chìa khóa” giảm nghèo bền vững.
Nhờ tham gia học nghề, chị Trần Thị Bích, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, có khoản thu nhập hàng tháng ổn định, lo sinh hoạt hàng ngày trong gia đình. Lúc trước, chị đi làm thuê nhưng thu nhập bấp bênh do công việc không được thường xuyên. Được tuyên truyền, giới thiệu về lớp may công nghiệp, chị đăng ký học.
Sau khi hoàn thành khóa học, chị được giới thiệu vào làm tại một công ty may trên địa bàn huyện Vị Thủy. Từ đó, thu nhập ổn định, cuộc sống bớt phần khó khăn so với trước. Chia sẻ với những người xung quanh, chị Bích luôn nhấn mạnh giá trị của việc học nghề, trau dồi trình độ chuyên môn.
Không riêng chị Bích, mỗi năm các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Hậu Giang giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… có cơ hội tìm việc làm ổn định. Nhờ đó, nhiều hộ dần ổn định cuộc sống và trở nên khấm khá, thoát nghèo bền vững, hạn chế khả năng tái nghèo.