Xác định chuyển đối số có vai trò quan trọng và là xu thế tất yếu, với quyết tâm đưa Quảng Ninh trở thành hình mẫu về chuyển đổi số, đầu năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 09).
Theo đó, Nghị quyết đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số – kinh tế số – xã hội số. Trong đó, kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 30% GRDP của tỉnh.
Sau thời gian triển khai, đến nay hoạt động kinh tế số của Quảng Ninh đã có những bước phát triển đột phá bất ngờ.
Là tỉnh đầu tiên trong nước thực hiện chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (sản phẩm OCOP), đến nay đã bước sang giai đoạn phát triển mới; các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đã được người tiêu dùng đánh giá tốt, tạo dựng được thương hiệu trên thị trường.
Từ năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai ứng dụng mã QR Code đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, OCOP trên địa bàn tỉnh, giúp đảm bảo chất lượng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Đến nay, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được dán tem truy xuất nguồn gốc, như: Gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều, Chè Hằng Nga, Vịt trời Hải Hà, Nấm kim châm Đông Triều, Miến dong Bình Liêu, Nước khoáng Quang Hanh…
Điều đáng nói là, sản phẩm OCOP không chỉ tiêu thụ theo các kênh truyền thống như phân phối qua các đại lý, các nhà bán lẻ, các đợt hội chợ, mà hiện trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của Quảng Ninh đã được quảng bá, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Voso, Postmart, Tiki,… Riêng sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh hiện đang giới thiệu 393 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của tỉnh. Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài biết và tin tưởng sử dụng, như: Miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Ba Chẽ, nước mắm Vân Đồn, hải sản Cô Tô….
Đơn cử như sản phẩm OCOP 4 sao trứng vịt biển Đồng Rui (huyện Tiên Yên) là một trong những sản phẩm hiện đã được dán tem nhận diện thương hiệu, mã vạch truy xuất nguồn gốc và đưa lên các sàn TMĐT. Ngoài sử dụng kênh bán hàng truyền thống, từ ngày trứng vịt biển Đồng Rui được quảng bá, giới thiệu triên các kênh online thì sản phẩm giao dịch từ sàn TMĐT và các kênh online chiếm tới 60%.
Không chỉ riêng sản phẩm này mà nhiều sản phẩm OCOP của địa phương kể từ khi được đưa lên các kênh online, mạng xã hội giới thiệu và quảng bá thì sản lượng tiêu thụ đều tăng mạnh lên trông thấy.
Để đáp ứng xu hướng mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đang nở rộ, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thậm chí người nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đã thích ứng nhanh, tự tạo kênh bán hàng riêng của mình, tự đăng các sản phẩm rao bán. Trong đó, hình thức livestream bán sản phẩm OCOP được bà con triển khai mạnh mẽ.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh, không chỉ hoạt động TMĐT nở rộ mà lĩnh vực thanh toán số cũng ngày càng phát triển, điển hình nhất là mô hình “Chợ 4.0”.
Theo đó, từ năm 2022, bên cạnh việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt ở các trung tâm thương mại, khu hành chính và trong các lĩnh vực trọng yếu của kinh tế, xã hội như y tế, giáo dục, điện, nước… 13 địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã đồng loạt triển khai mô hình "Chợ 4.0" – Thanh toán không dùng tiền mặt đối với các chợ trung tâm và chợ hạng I truyền thống trên địa bàn.
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 33 chợ từ hạng I đến hạng III đều đã triển khai thực hiện mô hình “Chợ 4.0”; 100% chợ trung tâm chấp nhận thanh toán các khoản phí và thực hiện thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; tỷ lệ số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương.
Thực hiện Nghị quyết số 09, Cục Thuế Quảng Ninh đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các dịch vụ thuế điện tử như: Hóa đơn điện tử; khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử... Qua đó đã tạo điều kiện thuận tiện cho doanh nghiệp trong quá trình nộp và khai thuế.
Đối với việc triển khai áp dụng hoá đơn điện tử, từ năm 2022, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã triển khai thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử, được áp dụng cho khách du lịch tham quan ban ngày và tham quan lưu trú nghỉ đêm trên vịnh.
Hiện nay, 100% cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh cũng triển khai ít nhất 1 giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thanh toán mua bán xăng dầu, như thanh toán qua thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử hoặc thẻ xăng dầu.
Song song với triển khai hóa đơn điện tử, ngành thuế tỉnh còn đẩy mạnh triển khai ứng dụng nộp thuế điện tử dành cho cá nhân (eTax Mobile). Theo thống kê, đến nay đã có trên 8.000 hộ kinh doanh, cá nhân cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile.
Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, việc áp dụng thu phí điện tử, hoá đơn điện tử đã tạo bước đột phá trong công tác thuế theo hướng chuyển đổi số, tạo nền tảng thực hiện thuế điện tử; góp phần làm minh bạch trong quản lý thuế, thu ngân sách của tỉnh đều tăng qua các năm; nhất là đảm bảo quản lý chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về chuyển đổi số.
Đối với các doanh nghiệp, đến nay, tỉnh đã phổ cập chữ ký số đến 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn; 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số. Hiện có trên 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị và sản xuất. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động sử dụng công nghệ số để quản lý và phát triển kinh doanh tốt hơn.
Kinh tế số đang chuyển dịch mạnh ở Quảng Ninh đã góp phần nâng cao tỷ trọng trong GRDP. Nếu như trước năm 2020, kinh tế số của Quảng Ninh chỉ chiếm khoảng 3% trong GRDP của tỉnh, thì năm 2021 kinh tế số đã chiếm 5%, được nâng lên 8% năm 2022 và năm 2023 đạt khoảng 12% GRDP.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chuyển đổi số toàn diện, trong đó tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Quảng Ninh xác định phát triển mạnh kinh tế số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Kinh tế số sẽ tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của tỉnh, phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP.