Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh cho một số xã đảo tiêu biểu ven bờ Việt Nam” đã được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu đến từ Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu khá kỹ về định hướng phát triển du lịch cộng đồng theo kinh tế xanh tại xã đảo Việt Hải.
Theo nhóm nghiên cứu, xã đảo Việt Hải sở hữu khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.
Điển hình như giá trị cảnh quan. Việt Hải nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Bà và thuộc vùng đệm của khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà. Đa dạng hệ sinh thái, khu vực này có tiềm năng rất lớn cho phát triển du lịch sinh thái, có thể phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau.
Cùng với đó là sự đa dạng loài sinh vật biển. Hiện đã xác định được 1.363 loài sinh vật biển ở khu vực Vịnh Lan Hạ và lân cận có liên quan đến xã đảo Việt Hải. Các nhóm sinh vật chủ yếu gồm các loài thực vật ngập mặn, thực vật phù du, động vật phù du, động vật đáy, san hô, rong biển và các nguồn lợi hải sản… Đây là cơ sở quan trọng cho việc khai thác nguồn lợi tự nhiên phục vụ nhiều mục đích khác nhau của con người; đồng thời có ý nghĩa rất lớn về nghiên cứu khoa học.
Một điều kiện thuận lợi nữa để phát triển du lịch là ẩm thực với nhiều món ăn thú vị mang đặc trưng riêng. Ví dụ cá suối tại Việt Hải có tên khoa học Garra Rufa, sống thành từng đàn ở các khe đá tại các con suối bao quanh xã đảo, khá dễ nuôi và thường được sử dụng để làm các món ăn hàng ngày phục vụ khách du lịch.
Trước kia, người dân ở Việt Hải chủ yếu làm nghề khai thác hải sản và nuôi hải sản, thu nhập không ổn định, thấp hơn nhiều so với đất liền (bình quân 3,8 triệu đồng/người/tháng).
Mô hình du lịch cộng đồng định hướng kinh tế xanh được kỳ vọng sẽ giải bài toán chuyển đổi sinh kế, tạo thu nhập và nâng cao đời sống của người dân xã đảo.
Nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Bà nên các hoạt động kinh tế phải gắn với bảo tồn các hệ sinh thái, gắn các biện pháp bảo vệ môi trường, nhằm tăng giá trị kinh tế mà không làm suy thoái các nguồn tài nguyên tại xã đảo.
Bởi thế, mô hình du lịch cộng đồng tại Việt Hải được phát triển theo định hướng khai thác các giá trị cảnh quan, các hệ sinh thái gắn với các chương trình bảo vệ môi trường (chẳng hạn chương trình “Nói không với nhựa sử dụng một lần”).
Các sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên tại Việt Hải đã thu hút sự quan tâm của du khách. Chẳng hạn tour ngắm san hô bằng thuyền đáy kính giúp du khách có trải nghiệm mới mà vẫn tránh tác động trực tiếp đến hệ sinh thái san hô; tour cá rỉa chân; tour thăm khu Hồng Hoa Hibiscus sabdariffa L (vừa thăm quan du lịch vừa mua được những sản phẩm đặc trưng của xã đảo được chế biến từ loại cây này như siro, rượu vang, nước ngọt, dầu chiết xuất từ hạt)…
Có thể nói, mô hình du lịch cộng đồng theo kinh tế xanh tại xã đảo Việt Hải đã tạo ra các sản phẩm, tour du lịch khác biệt với các mô hình đang tồn tại ở Cát Bà, tạo sức hấp dẫn khiến số lượng du khách đến đây tăng dần hàng năm. Mô hình này đã tạo công việc cho 1/3 lao động tại Việt Hải, thu hút nhiều lao động nông nghiệp, lao động tự do sang làm du lịch. Thu nhập của người dân Việt Hải tăng lên gấp đôi nhờ dịch vụ du lịch. Thu nhập bình quân theo đầu người của địa phương tăng lên 96 triệu đồng/người/năm.
“Mô hình du lịch cộng đồng định hướng kinh tế xanh tại Việt Hải đã dựa vào vốn tự nhiên để tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của xã đảo”, nhóm nghiên cứu khẳng định.