- Dân sở hữu ôtô muốn minh bạch việc sử dụng phí, nếu không sẽ sang các tỉnh lân cận đăng ký cho rẻ rồi mang về TP.HCM chạy.

Tờ trình về việc tăng lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của UBND TP.HCM đưa ra kỳ họp HĐND TP sáng nay khiến ĐB băn khoăn.

Tại phiên thảo luận tổ buổi chiều, ĐB Lâm Thiếu Quân nhắc việc QH đang xem xét dự luật Phí và lệ phí để sớm thông qua, trong đó không có quy định nào liên quan phí cấp "giấy đăng ký" và "biển số". Điều này khiến ông lo tờ trình của UBND TP nếu được thông qua khi thực hiện có thể "vướng" ngay luật mới.

{keywords}

ĐB Lâm Thiếu Quân

Nhấn mạnh "phí" và "lệ phí" là để bù đắp các chi phí liên quan đến quá trình quản lý phương tiện giao thông, ông Quân cho rằng, việc tăng phí giấy đăng ký và biển số chỉ có ý nghĩa là tăng phí, không thể nhập chung vào mục tiêu góp phần giảm thiểu xe cá nhân, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng.

"Giả sử phí 500 ngàn đồng, biển số cũng 500 ngàn đồng thì tổng phí đăng ký là 1 triệu đồng. Như thế thì bù đắp 1 triệu đồng thôi. Chứ ngoài 1 triệu đồng lại thu thêm 9 triệu vì mục tiêu như giải trình ở đây về giảm ùn tắc thì không đúng bản chất của phí và lệ phí" - ông phát biểu.

Ông cũng không đồng tình việc tăng phí để nộp vào ngân sách TƯ bởi so với các tỉnh, thành khác, nguồn thu của TP.HCM luôn cao hơn. Các tỉnh, địa phương khác thường thu thấp hơn, việc đánh một rổ vào ngân sách TƯ là sự thiệt thòi cho TPHCM.

"Như thế nó đâu đi vào vấn đề giảm ùn tắc giao thông cho thành phố?"- ông đặt câu hỏi. Trong khi đó, TP.HCM đang rất cần nguồn hỗ trợ cho các phương tiện công cộng đang phải bù lỗ.

{keywords} 

"Khoản 10 triệu đồng đối với một chiếc ôtô trị giá bạc tỉ không tác dụng, nó thực sự chỉ góp phần tăng cho ngân sách cho TƯ, chứ không cho phải địa phương. Chúng ta nên cân nhắc có làm hay không, có đúng bản chất của phí và lệ phí không?" - ĐB nêu vấn đề.

Làm rõ sử dụng nguồn phí hiệu quả

Ngay trong chiều nay, VietNamNet ghi nhận các ý kiến của người dân trước đề xuất này của TP.HCM. Anh Trần Giang Anh tại quận Thủ Đức cho rằng việc sở hữu một chiếc ôtô đối với người Việt nói chung và người dân TP.HCM quá dễ dàng.

"Ôtô đang trở thành loại phương tiện phổ biến. Để sở hữu, nhiều người phải bỏ ra từ vài trăm đến vài tỉ đồng. Do đó, bỏ 10 triệu đồng tiền phí để được đi ôtô là không đáng bao nhiêu. Tuy nhiên người dân muốn rõ phí tăng được sử dụng vào mục nào. Nếu dành cho mở đường, xây cầu thì người dân ủng hộ thôi” - anh Giang Anh cho hay.

{keywords} 

Chị Nguyễn Thanh Thảo ở quận 7 cho biết, người có tiền mua ôtô thì tăng phí 5 lần không đáng ngại lắm.

“Phí cao hay thấp không thành vấn đề, nhưng nó phục vụ mục đích gì, TP cần nêu rõ. Không thể nói, tăng phí 5 lần để hạn chế xe ôtô cá nhân, giảm ùn tắc. Người có tiền mới mua ôtô. Họ không chấp nhận đi xe buýt vì số tiền 11 triệu đó đâu”.

Anh Lê Huy Sương, quận 12 lại không hài lòng về đề xuất tăng phí ô tô gấp 5 lần vì hiện nay đường sá ở TP chưa đảm bảo. Nhiều tuyến đường xuống cấp, trạm thu phí nhan nhản.

“Bình thường người dân phải chịu nhiều thuế rồi, giờ tăng phí đó nữa thì bất công cho những người đang sở hữu xe, cũng như những ai có nhu cầu sắm ôtô”- anh Sương nói.

“Giao thông công cộng không phát triển, tài xế xe buýt chạy ẩu, nhân viên cư xử thiếu văn hóa với hành khách, hay nạn trộm cắp xảy ra nhan nhản. Đi từ Bến Thành đến sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 6km mà mất đến 1giờ... Như vậy thì làm sao người dân từ bỏ ước mơ đi 'xế hộp' được..”- anh Văn Vĩnh (quận 1) cho biết.

Đang dự định mua chiếc Camry hơn 1 tỷ đồng, anh Minh Quốc (trú quận 12, quê Bình Dương) cho biết, nếu TP tăng phí gấp 5 lần, anh sẽ về Bình Dương đăng ký cho đỡ tốn.

Dù muốn có biển số TP.HCM nhưng anh khẳng định không nhất thiết, vì chưa có quy định nào bắt buộc ôtô phải mang biển số TP.

Xuân Linh - Tuấn Kiệt - Đinh Tuấn