Ban tổ chức hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 gồm 23 thành viên do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng ban.
Các Phó Trưởng ban gồm: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Chủ tịch Nhóm ĐBQH trẻ Quốc hội khóa XV Nguyễn Anh Tuấn.
Ban tổ chức Hội nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 có nhiệm vụ cụ thể hóa chủ đề chính và các chuyên đề thảo luận của Hội nghị, các phiên thảo luận chuyên đề, chuẩn bị các nội dung tham gia của Đoàn Việt Nam, các hoạt động bên lề Hội nghị. Đồng thời tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, điều phối các Bộ, cơ quan, địa phương khai các công tác liên quan trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội nghị; phối hợp với Ban Lãnh đạo IPU, Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội nghị…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Ban tổ chức Trần Thanh Mẫn cho biết việc đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã được sự đồng ý của Bộ Chính trị và sự ủng hộ của các nghị viện thành viên Liên minh Nghị viện thế giới (IPU). Dự kiến sẽ có đại biểu từ rất nhiều nước tham dự.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, việc Quốc hội Việt Nam đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là sự kiện đối ngoại có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn, khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động của Việt Nam trong tổ chức liên nghị viện lớn nhất thế giới, đồng thời cho thấy sự chú trọng, quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên, và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay.
Với quy mô khoảng hơn 500 đại biểu và rất nhiều sự kiện bên lề hội nghị, lãnh đạo Quốc hội đề nghị các cơ quan bắt tay ngay vào những công việc cụ thể, quá trình thực hiện cần kế thừa, rút kinh nghiệm từ việc tổ chức Đại hội đồng IPU 132 và Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 do Quốc hội Việt Nam đăng cai.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, trong tháng 4 thành lập các tiểu ban và xây dựng đề án chi tiết trình Ban Tổ chức phê duyệt triển khai. Tiếp đến, tập trung xây dựng thuyết minh chủ đề hội nghị; thông tin chung; khảo sát và quyết định địa điểm tổ chức hội nghị; xây dựng kênh đăng ký tham dự hội nghị của nước chủ nhà và kế hoạch thông tin tuyên truyền. Ngoài ra cần xây dựng các dự thảo văn kiện hội nghị, xây dựng kế hoạch đón thăm song phương trước và sau hội nghị, lịch tiếp xúc song phương của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội; hoàn thiện các dự thảo chương trình, kế hoạch lễ tân, hậu cần, an ninh, y tế…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần quán triệt tinh thần chủ động, tích cực đóng góp thực chất vào nội dung của hội nghị, bảo đảm hài hòa lợi ích của Việt Nam và lợi ích chung của khu vực và thế giới, thể hiện được vị thế và vai trò của Quốc hội nước chủ nhà.