- Việt Nam có 2 món ăn lọt vào TOP 50 món ăn ngon nhất thế giới, nhưng vẫn xếp sau Thái Lan, Malaysia, Indonesia,... Một cuộc khảo sát khách du lịch cho thấy, thực phẩm Việt đang chịu tai tiếng xấu.

Khảo sát về thực phẩm Việt Nam, Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển Hà Lan (CBI) lấy ý kiến của 2.530 người đi du lịch thường xuyên ở 17 thị trường, trong đó có Australia, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Mehico, Nga, Thái Lan, Anh Hoa Kỳ,...

Kết quả là, 64% người tham gia khảo sát nhận diện được về nguồn gốc Việt Nam, trong khi tỷ lệ này đối với Thái Lan là 74%, Hàn Quốc là 69% và Peru là 65%. Nhất là trong lĩnh vực thực phẩm, hàng hóa, tỷ lệ nhận diện hàng “made in Vietnam” cực thấp.

Chỉ có 7% số ý kiến cho rằng, sản phẩm Việt Nam có chất lượng cao trong khi ở Thái Lan, Petru có tỷ lệ này là 13%.

Ông Juilian Lawson Hill, chuyên gia thương hiệu của CBI, cho hay, tổ chức này cũng xếp hạng 50 món ăn tốt nhất thế giới thì Việt Nam góp mặt 2 món là phở và gỏi cuốn. Trong đó, phở đứng thứ 28 và gỏi cuốn đứng thứ 30.

{keywords}

Tuy nhiên, vị trí này là quá thấp so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn, Thái Lan có nhiều món xếp hạng cao như cà ri Massaman đứng đầu bảng, Tom Yum goong đứng thứ 8, Nam tok moo đứng thứ 19. Indonesia có món Rendang đứng thứ 11 và Malaysia có món Penang assam laksa đứng thứ 7.

Ông Juilian Lawson Hill cho rằng, thực phẩm đã trở thành một phương thức đánh giá quốc gia. Hàn Quốc đã rất thành công khi biến thực phẩm của mình trở thành 1 trong 5 loại thực phẩm phổ biến nhất thế giới. Nhờ đó, họ đã cải thiện được cơ hội kinh doanh cho ngành nông, lâm nghiệp và du lịch, nhà hàng, văn hoá.

Thái Lan đã đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10%/năm cho ngành này. Kết quả là đồ ăn Thái xếp thứ 4 sau đồ ăn của Italia, Pháp, Trung Quốc khi khách du lịch được hỏi nêu tên thực phẩm quốc gia nào hiện lên trong tâm trí người tiêu dùng. Món ăn nước này cũng được xếp thứ 6 các món yêu thích nhất trên thế giới.

Ông này khuyến nghị, để có thể xuất khẩu tốt hơn, ngành thực phẩm Việt Nam cần phát triển những thương hiệu quốc gia an toàn, tin cậy, thuần tuý, dễ dàng phân biệt.

Nhiều du khách nhận xét, món ăn Việt có hương vị độc đáo và rất ngon, nhưng cũng “có nhiều tai tiếng”. Đó là việc lạm dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, chất lượng còn thấp.

"Cần phải thay đổi cách thức sản xuất thực phẩm, không thể giống như Trung Quốc, chạy theo số lượng hơn là chất lượng. Lợi thế ở Việt Nam là có nhiều mùa vụ và không có ô nhiễm", ông này khuyến nghị.

Tại hội thảo về xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành thực phẩm Việt Nam ngày 27/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc xây dựng thương hiệu và marketing cho ngành thực phẩm vẫn còn hạn chế, khiến lợi nhuận thu về từ xuất khẩu thấp. Giá trị gia tăng của thực phẩm Việt cũng chưa cao, chưa giành được vị trí vững chắc trên thị trường ngoài nước.

Phạm Huyền