Thủ tướng Chính phủ vừa phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, trực tiếp chỉ đạo các công việc thường xuyên của Ủy ban. (Nguồn ảnh: Chinhphu.vn) |
Quyết định 1201 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định 1072 ngày 28/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 16/9/2019.
Theo quyết định này, Thủ tướng Chính phủ vẫn đảm trách cương vị Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được phân công làm Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo các công việc thường xuyên của Ủy ban. Bộ trưởng Bộ TT&TT làm Phó Chủ tịch Ủy ban, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử.
Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử còn có các 14 Ủy viên gồm: Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ KH&ĐT; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Bộ trưởng Bộ KH&CN; Bộ trưởng Bộ TN&MT; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ TT&TT; Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT.
Cũng theo Quyết định mới, thành lập Tổ công tác giúp việc Ủy ban (Tổ công tác) đặt tại Bộ TT&TT do Thứ trưởng Bộ TT&TT làm Tổ trưởng.
Tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo cấp Vụ của các Bộ, cơ quan: Công an, GD&ĐT, KH&ĐT, KH&CN, Nội vụ, Tài chính, TN&MT, TT&TT, Tư pháp, Ban Cơ yếu Chính phủ, lãnh đạo và chuyên gia Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty cổ phần FPT và một số chuyên gia về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong nước và quốc tế. Trong trường hợp cần thiết, Tổ công tác được huy động các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng giao Bộ TT&TT làm nhiệm vụ thường trực của Tổ công tác. Bộ trưởng Bộ TT&TT có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban; phê duyệt danh sách thành viên, chuyên gia Tổ công tác.
Bộ TT&TT là cơ quan đầu mối, giúp Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử điều phối công tác xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Ủy ban và Tổ công tác.
Trước đó, nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 17 của Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025”, phát huy vai trò quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT và nguồn nhân lực CNTT của Bộ TT&TT, tại cuộc họp về phân công nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã quyết định chuyển các nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ về Bộ TT&TT.
Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập ngày 28/8/2019, theo Quyết định 1072 của Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban có các nhiệm vụ: nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
Bên cạnh đó, Ủy ban cũng có trách nhiệm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.