16 năm sau ngày không có tiền đưa vợ đi viện sinh nở nên phải tự rạch bụng vợ cứu con, khi quay lại thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân, Phú Yên), chúng tôi mới biết “nhân vật chính” của câu chuyện là anh nông dân Nguyễn Dưỡng (SN 1969) dù không phải chịu một bản án pháp luật nhưng đã phải chịu một bản án lương tâm: Vợ chết, con cũng không nuôi nổi mà phải nhờ người khác đỡ đầu, sa vào rượu chè be bét và lang thang vô định vì lương tâm dằn vặt.

TIN BÀI KHÁC


Ca “vượt cạn” kinh hoàng

Xã miền núi Xuân Phước nằm cách thành phố Tuy Hòa hơn 70 km. Cách đây 23 năm, anh nông dân Nguyễn Dưỡng ở thôn Phước Hòa đã tình cờ gặp rồi kết duyên với một cô gái đất võ Bình Định là chị Nguyễn Thị Mủn (còn có tên là Hoa) trong một lần chị Mủn vào đây làm thuê. Gặp giản đơn rồi thành vợ chồng cũng đơn giản bằng cách “cáp nhau ở” chứ không hề cưới hỏi.

Không có đất ở, hai vợ chồng xin ở tạm trên một miếng đất của một người hàng xóm. Căn nhà của anh chị là một túp lều được mọi người trong làng dựng giúp bằng tranh tre. Hàng ngày họ đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Tuy nghèo khổ nhưng vợ chồng sống với nhau hòa thuận, được mọi người trong xóm quý vì tính tình thật thà hiền lành.

Mấy năm sau, hai đứa con trai lần lượt ra đời. Gia đình vốn nghèo bây giờ lại càng nghèo hơn vì có các con nhỏ. Đói nghèo sinh ra nhiều hệ lụy, kể cả việc làm khai sinh cho con cũng không có. Hai đứa con trai lớn lên cũng chẳng có tên họ đàng hoàng, chỉ được ba má gọi bằng “thằng chó anh”, “thằng chó em”. Đủ cặp con nhưng hồi đó không có kế hoạch hóa gia đình, hơn nữa vợ chồng cũng muốn có một đứa con gái cho “vui nhà vui cửa” về sau nên chị vợ quyết định lại mang bầu.


Cháu bé sống sót sau ca “vượt cạn” kinh hoàng của người mẹ.

Ca vượt cạn lần thứ 3 của người phụ nữ nghèo này có lẽ cũng là ca vượt cạn kinh hoàng nhất mà người dân địa phương từng được nghe. Trong cơn nguy kịch, vợ đau bụng đẻ kêu la dữ dội và không thể rặn đẻ, nhà không có một xu, không chuẩn bị hành lí đi bệnh viện nên người chồng đã đánh liều “tự xử” bằng “đồ nghề” là… con dao thái rau. Sự việc “có một không hai” này xảy ra vào ngày 8/1/1996. Nhớ lại sự việc, ông Nguyễn Văn Mến (ngụ khu phố Long Hà, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, anh ruột của nạn nhân) nhớ lại: “Chiều hôm đó, tôi đang ở nhà thì nghe mọi người báo hung tin chồng con Mủn thấy vợ không đẻ được nên đã tự cứu con, vợ nó chết rồi”. Tức tốc ông Mến vượt trên 15 km đến thôn Phước Hòa thì sự việc đã rồi.

Một người dân trong thôn Phước Hòa kể lại, vợ chồng anh Dưỡng đẻ đứa đầu thì còn có tiền gọi y tá trong thôn đến đỡ đẻ, đến đứa thứ hai vì không có tiền nên anh chị ở nhà “tự xử”. Vợ đau bụng đẻ, túng quẫn làm liều, vợ bảo thế nào anh cũng làm theo. Vợ sinh trên chiếc chõng tre tại nhà, anh chồng lấy sợi lạt cây mò o làm dao cắt rốn cho con rồi tự tay tắm cho bé... Nhờ “trời thương” nên mọi việc đâu vào đó, đến khi vợ chồng anh nói lại thì mọi người mới hay vợ anh đẻ rồi.

Đến lúc vợ sắp đẻ đứa thứ 3, khi cô vợ đau bụng, Dưỡng thầm nghĩ “vợ mình đẻ dễ ẹt” nên chẳng gọi bà đỡ làm gì, vả lại có tiền đâu mà gọi? Đau bụng từ trưa tới buổi chiều, vợ chuyển dạ mạnh kêu la, tưởng sự việc êm xuôi như lần trước nhưng không ngờ đây là ca đẻ khó. Sau này Dưỡng khai với công an: “Khi vợ tôi đau quá, nó quát tôi “Lấy dao rạch ra, không rặn đẻ được nữa, cứ để thế con chết ngạt bây giờ””. Lục cả nhà cả cửa chỉ còn 500 đồng, sai thằng con chạy hàng xóm mua dao lam nhưng không đủ tiền vì lưỡi lam giá 800 đồng. Vậy là anh chồng khù khờ đâm ra quẫn trí, không chạy đi kêu la hàng xóm hay nhờ chính quyền giúp mà nảy ra “tối kiến” sử dụng con dao xắt rau để rạch bụng vợ lấy con ra.

Bản án lương tâm

Người mẹ sau cơn “vượt cạn” kinh hoàng thì trút hơi thở cuối cùng ngay trên giường, riêng đứa con gái thì không hiểu nhờ sức mạnh thần kỳ nào mà đã được cứu sống. Đám tang của người mẹ tội nghiệp này được nhiều người và chính quyền địa phương đến viếng, lo liệu. Sau đám tang nạn nhân, vì xét cho cùng động cơ của Dưỡng là để cứu vợ, anh lại là người thiếu hiểu biết nên dù anh đã gây ra cái chết thảm cho vợ nhưng cơ quan chức năng đã cân nhắc đủ đường, rồi cũng xếp lại hồ sơ. Nỗi đau trong gia đình này đã đến tận cùng, cũng không ai muốn kéo dài thêm bi kịch cho những con người đáng thương hơn đáng giận.

Vợ mất, anh nông dân Nguyễn Dưỡng cũng tan nát cõi lòng. Có lẽ tòa án lương tâm đã dằn vặt khiến anh ngày ngày chìm trong những cơn sầu muộn và tìm đến rượu để giải sầu, chẳng bao lâu sau đã trở thành một kẻ nghiện rượu. Dưỡng gửi các con mỗi đứa một nơi rồi lang thang khắp nơi. Riêng bé gái được cứu sống do sinh trong hoàn cảnh đặc biệt nên được nhiều người biết đến. Chị Trần Thị Mâu, một người phụ nữ cùng xã bị chồng bỏ rơi vì không có con đã xin cháu về làm con nuôi, lấy họ mình đặt tên họ cho con là Trần Thị Mỹ Xuyến.

Nhớ lại chuyện hơn 15 năm trước, chị Mâu xúc động: “Hồi đó bé Xuyến yếu lắm. Ba má tôi cũng quý nó nên ẵm bồng suốt ngày. Riêng tôi phải đi làm thuê kiếm tiền mua sữa, mua thuốc cho nó”. Lúc này, cũng có nhiều người hảo tâm đến trợ giúp mua cho bé Xuyến sữa, quần áo, bánh kẹo... “Riêng ông Chủ tịch Công ty Minh Phụng có hứa tặng con Xuyến mỗi tháng 500 ngàn đồng. Nhưng mới gửi được 3 tháng thì công ty ông ấy bị đổ bể thì thôi”, chị Mâu thuật lại.

Một điều không bình thường là mắt Xuyến từ nhỏ cứ mờ dần, có lẽ do những di chứng từ khi sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt và tật mờ mắt khiến mọi sinh hoạt, học tập của em đều rất khó khăn. Gia đình nghèo không có tiền đi khám, tuy nhiên cứ mỗi lần có đoàn bác sỹ ở Tuy Hòa, hay Tp HCM ra khám bệnh miễn phí cho người nghèo thì chị đều đưa con nuôi đến khám. Bé Xuyến đi học chậm 4 năm so với tuổi nhưng học cũng được và rất hiền ngoan. Tuy nhiên, đến cuối năm ngoái, khi học hết lớp 4 thì em đến trường xin các thầy cô giáo cho em được nghỉ học luôn. Khi hỏi vì sao cháu không đi học nữa, có phải vì lớn tuổi rồi nên mắc cỡ với bạn bè, bé Xuyến trả lời rất dễ thương: “Vì nhà cháu nghèo nên cháu nghỉ học ở nhà đi làm giúp má chứ không phải vì mắc cỡ”.

Hỏi về gia đình, bé Xuyến cho biết: “Má cũng đã nói rõ hoàn cảnh ba má ruột của cháu, nhưng nhờ có bà ngoại, ba má nên cháu ít nghĩ chuyện cũ”. Tôi hỏi Xuyến có bao giờ gặp ba Dưỡng và hai anh ruột của mình không, Xuyến nói hồn nhiên nhưng giọng buồn: “Ba cũng có về thăm con một hai lần, nhưng vì lạ quá nên con không dám nhận, rồi sau ba không trở lại nữa. Còn hai anh “Chó anh” và “Chó em”, lâu rồi cháu có gặp một lần, anh bảo cháu về ở với hai anh, cháu không chịu rồi hai anh đi, đến giờ không gặp lại”.

Sau khi cho con, Dưỡng trở thành người nghiện rượu rồi bỏ làng dắt hai đứa con trai đi khắp nơi. Bao nhiêu tiền thiên hạ ủng hộ, Dưỡng đều làm bạn với ma men, chẳng hề gửi cho con gái một đồng. Lâu lắm, Dưỡng mới tạt qua thăm con một lần. Theo lời chị Mâu: “Hai thằng anh con Xuyến bây giờ xóm làng cũng chẳng biết nơi đâu. Tuy nhiên, nó cũng rất thương em gái. Hồi tụi nó còn đi ăn xin ở chợ La Hai, có lần tụi nó ghé lại đây nói với con Xuyến “em ơi, em về ở với tụi anh đi” nhưng con bé không chịu”.

Nghe một số người hàng xóm nói Dưỡng giờ đang lang thang ở thị trấn La Hai nhưng khi tôi tới thì không thấy, không biết giờ này anh đang ở nơi đâu. Có lẽ bản án lương tâm đến giờ vẫn không thôi dằn vặt anh. Bóng chiều buông xuống, tôi rời phố huyện La Hai mang theo câu chuyện thương tâm về cặp vợ chồng cùng cực và cô bé Xuyến tội nghiệp. Sự hy sinh thầm lặng của người mẹ năm nào để con được sống làm người nghe càng xúc động hơn.

Câu chuyện đã qua 16 năm nhưng người dân nơi đây vẫn nhắc đến, như một cách tự nhủ mình phải vượt qua đói nghèo, để không một ai phải còn rơi vào thảm cảnh như bi kịch mà gia đình này đã phải trải qua.

(Theo Pháp luật & Thời đại)