Vai trò người dân tộc thiểu số được nâng cao
Theo Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên, đợt bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua đã thể hiện rất rõ quyền tham gia bầu cử, ứng cử của người đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể thấy, qua các kỳ bầu cử, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn chiếm tỉ lệ cao.
Cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị đại diện cho nhân dân tăng cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu thành phần các cấp qua các nhiệm kỳ. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 3/49 người (chiếm 6,12%), Ban Thường vụ Tỉnh ủy 1/15 người (chiếm 6,67%); Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện 29/115 người (chiếm 25,17%), Ban Thường vụ Huyện ủy 4/33 người (chiếm 12,12%); Đảng ủy cấp xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi 175/421 người (chiếm 41,56%).
Về tỉ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trúng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 đạt 5/50 người (10%); đại biểu HĐND huyện đạt 15/284 người (chiếm 5,28%); đại biểu HĐND xã 250/2.556 người (chiếm 9,78%). Hiện nay cán bộ, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số có 242/2.050 người, chiếm 11,8%. So với những năm trước đây, nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số đã được nâng lên về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên trình độ, năng lực của một số cán bộ công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số vẫn còn mặt hạn chế. Tỉ lệ cán bộ cấp xã là người dân tộc thiểu số có trình độ đại học, cao đẳng còn chưa cao.
Đảm bảo các quyền cho đồng bào DTTS được ưu tiên và thể chế hóa bằng luật pháp, chính sách
Theo Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hệ thống pháp luật sẽ tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện nhằm đảm bảo các quyền con người nói chung, cũng như quyền của nhóm đối tượng dân tộc thiểu số nói riêng. Trong đó, việc đảm bảo các quyền cho đồng bào dân tộc thiểu số phải được ưu tiên và thể chế hóa bằng luật pháp, chính sách. Việc thể chế hóa các nội dung quyền cụ thể căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, xã hội của địa phương, phù hợp trong từng giai đoạn.
Trong giai đoạn 2021 - 2030, Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc nhằm đảm bảo quyền lợi về kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, hướng đến giảm dần sự phân cách giàu, nghèo giữa các vùng, các dân tộc. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu trên, cần nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ công tác ở vùng dân tộc thiểu số ; đảm bảo mỗi người có thể phát huy hết năng lực cá nhân; giảm thiểu nguy cơ xâm phạm các quyền công dân, quyền con người đối với người đồng bào dân tộc thiểu số .
Trong thời kỳ hội nhập, để phát huy năng lực nội tại của người đồng bào dân tộc thiểu số , mỗi người dân cần tự biết chọn lọc, bảo vệ các giá trị và quyền lợi cá nhân cũng như cộng đồng. Đặc biệt, các địa phương cần đặc biệt quan tâm, tăng cường công tác giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao nhận thức, phổ biến giáo dục pháp luật cho người đồng bào dân tộc thiểu số .
Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên, cho biết: Đảng ta luôn xác định, chính sách dân tộc của Đảng là thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc; tạo điều kiện cần thiết để xóa bỏ tận gốc sự chênh lệch về trình độ kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc ít người và dân tộc đông người; làm cho tất cả các dân tộc đều có cuộc sống ấm no, văn minh và hạnh phúc; đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chủ trương, chính sách dân tộc nhằm từng bước nâng cao, cải thiện đời sống người dân đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.