Cuộc đua cho vay tiêu dùng với lãi suất 0% càng về cuối năm càng bùng phát mạnh mẽ. Lãi suất 0%/năm được xem là vô cùng hấp dẫn với người vay tiêu dùng, nhưng không cẩn thận cũng dễ bị “mắc bẫy” như chơi.

Không tiền vẫn được mua sắm

Những ngày này, dạo một vòng quanh các siêu thị điện máy, trung tâm thương mại, cửa hàng điện thoại, xe máy… sẽ thấy rất nhiều công ty tài chính tung ra những chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất 0%.

Các công ty tài chính liên kết với hàng loạt những trung tâm thương mại, dịch vụ, cửa hàng bán lẻ...cung cấp gói vay tiêu dùng lãi suất 0% cho khách hàng đang "bùng nổ". Từ ti vi, điện thoại, máy tính, xe máy, bất động sản cho đến cả chăn đệm, xoong nồi, chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe… bây giờ đều có thể vay tiêu dùng với lãi suất 0%/năm.

Một bộ chăn đệm, xoong nồi, có giá khoảng vài triệu đồng, nếu cần vay tiêu dùng, sẵn sàng được các công ty tài chính đáp ứng. Sửa sang sắc đẹp tại các Spa, hay vào viện chữa bệnh, thiếu tiền lên đến vài chục triệu, cũng có rất nhiều gói cho vay tiêu dùng, lãi suất chỉ có 0%/năm, thoải mái lựa chọn.

{keywords}

Thủ tục cho vay vô cùng thông thoáng, nộp hồ sơ sau khoảng 2 giờ, đã có thể sở hữu ngay điện thoại thông minh, xe máy, đồ gia dụng… Các công ty tài chính đang "mọc lên như nấm sau mưa", cạnh tranh nhau quyết liệt, có công ty mỗi tháng đưa ra hàng chục gói cho vay tiêu dùng, kết hợp với hàng nghìn nhà bán lẻ, trên cả nước để triển khai cho vay lãi suất 0%.

Lãi suất 0%/năm có 2 loại, áp dụng cho một giai đoạn, thường từ 3- 6 tháng đầu và cho cả thời gian vay. Đối với lãi suất 0%/năm dành cho cả thời gian vay, thường chỉ áp dụng với một số mặt hàng nhất định, trong giai đoạn kích cầu mua sắm.

Phải khẳng định rằng, khi kích hoạt các chương trình cho vay tiêu dùng lãi suất 0%, không phải các công ty tài chính "làm từ thiện" mà đây là sự hợp tác với các DN bán lẻ, dịch vụ và nhà sản xuất hàng tiêu dùng, để kích thích mua sắm dịp cuối năm, tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng nhận xét.

Khi mà nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao, đặc biệt là giới trẻ, các công ty tài chính nhanh chóng kết hợp với các đơn vị bán lẻ hỗ trợ mua trả góp từ điện thoại thông minh, máy tính, xe gắn máy đến cả ô tô, nhà cửa. Thậm chí nhiều sản phẩm vay qua hình thức trả góp với lãi suất 0% thời gian đầu, còn được khuyến mãi giảm giá, tặng thêm quà...

Có thể nói không còn gì thuận tiện hơn, kể cả không có tiền, ngày nay nhiều người vẫn có thể mua sắm được các sản phẩm mình mong ước. Không phải khách hàng nào cũng đủ năng lực tài chính để chi trả ngay trong một lần, cho nên vay tiêu dùng với sự hỗ trợ của các công ty tài chính, đang là sự lựa chọn của rất nhiều sinh viên, giáo viên, công nhân viên chức và cả người về hưu, giám đốc 1 siêu thị điện máy lớn tại Hà Nội nhận định.

Cẩn thận bẫy tiều dùng

Tại Hội thảo về thực trạng và giải pháp vay tiêu dùng do Bộ Công thương tổ chức mới đây, các thống kê cho thấy, số lượng khiếu nại trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng ngày càng gia tăng. Khách hàng dễ dàng mắc bẫy, bởi nhiều chiêu trò của các đơn vị cho vay, mà chủ yếu là những người có tuổi. Nội dung khiếu nại chủ yếu là về lãi suất vay quá cao. Người vay phản ánh họ được nhân viên của bên cho vay tư vấn mức lãi suất vay rất thấp, nhưng ghi trong hợp đồng lại rất cao, có khi lên đến 60%-70%/năm.

Để dụ khách hàng vào bẫy lãi suất cao, một số đơn vị cho vay thường in sẵn hợp đồng, với những điều khoản có lợi cho bên cho vay và bỏ trống hoặc viết mập mờ mức lãi suất cho vay. Hoặc kèm theo các điều khoản mà khách hàng nếu không hỏi kỹ, đặt bút ký, chắc chắn bị mắc bẫy.

{keywords}

Các khách hàng bị mắc bẫy, thường rơi vào trường hợp vay tiêu dùng lãi suất 0% áp dụng trong thời gian đầu, sau khi hết hạn sẽ bị tính lãi suất cao. Với gói vay này, lãi suất 0% thường được áp dụng từ 3- 6 tháng đầu, sau đó từ tháng thứ 4 hoặc thứ 7 trở đi sẽ phải chịu lãi rất cao, không những thế mức lãi này lại tính trên tổng số tiền vay ban đầu, chứ không tính trên dư nợ giảm dần.

Chẳng hạn cho vay mua ti vi với giá trị 20 triệu đồng, khách hàng trả trước 6 triệu đồng và vay 14 triệu đồng, lãi suất 6 tháng đầu ở mức 0%, hết 6 tháng đã trả được 7 triệu đồng, nhưng từ tháng thứ 7 thì khách hàng sẽ phải trả lãi khoảng 3%/tháng và mức lãi 3% lại được tính tính trên số tiền vay ban đầu là 14 triệu đồng, chứ không phải số tiền 7 triệu đồng còn lại. Có những trường hợp vay mua điện thoại di động 12 triệu đồng, song tổng cộng phải trả lên đến 20 triệu đồng, mua xe máy giá 30 triệu đồng, tổng cộng số tiền phải trả lên đến 50 triệu đồng, là như vậy.

Ngoài ra, nếu trả nợ không đúng hẹn, cũng bị phạt rất nặng. Chậm nộp tiền ngày nào thì tính lãi ngày đấy và thường bằng 150% lãi cho vay. Sang tới ngày thứ hai mà vẫn không trả được thì tính luôn cả số nợ do trễ ngày thứ nhất dồn lại, nghĩa là lãi mẹ đẻ lãi con. Đó là chưa kể các kiểu phạt khác như phạt thanh lý sớm hợp đồng, tiền mua bảo hiểm cho khoản vay, tiền môi giới, tiền đăng ký...

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh, cho biết trước đây các đơn vị cho vay tiêu dùng thường ghi mức lãi suất chung chung. Sau này, Cục yêu cầu bên cho vay phải có một bảng phụ lục ghi rõ các khoản tiền cụ thể mà người tiêu dùng phải trả, từng kỳ trả nợ và ghi rõ con số tổng cộng tiền mà người tiêu dùng phải trả. Do vậy, người vay cần chú ý điều này để không sập bẫy.

Trước khi đặt bút ký vào các hợp đồng, người vay nên yêu cầu nhân viên cung cấp mẫu hợp đồng đã hoàn thành thủ tục đăng ký tại cơ quan quản lý và đề nghị nhân viên giải thích các nội dung của hợp đồng.

Trần Thủy