Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đang rào chắn trên đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ Lê Duẩn đến Trần Bình Trọng) để thi công ga S12 và đường chuyển làn tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.
Ga S12 trên đường Trần Hưng Đạo là một trong 4 ga ngầm thuộc tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Đoạn đi ngầm của tuyến đường sắt này dài 4,5km (từ Kim Mã đến ga Hà Nội), nằm trên địa bàn các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.
Bộ đôi máy đào mang tên ‘Thần tốc’ và ‘Táo báo’ được nhập từ Đức về Việt Nam để làm đường hầm dài 4,5km của tuyến đường sắt Nhổn ga - Hà Nội. Mỗi máy có chiều dài hơn 90m, nặng khoảng 850 tấn, đủ để chứa thiết bị và công nhân vận hành.
Đại diện Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đoạn ngầm của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội nằm ở độ sâu từ 18-20m (so với cốt 0 mặt đất). Với nền địa chất ở Hà Nội, Ban MRB dự kiến mỗi ngày ‘quái vật’ sẽ thi công được khoảng 10m đường hầm. Đoạn đi ngầm này được thiết kế 2 ống hầm chạy song song, mỗi ống hầm rộng khoảng 6,3m.
Việc lắp đặt và quá trình chạy thử bộ đôi ‘quái vật’ nặng khoảng 1.700 tấn ‘Thần tốc’ và ‘Táo bạo’ được hoàn thành từ tháng 4/2021, tại ga S9 (đầu đường Kim Mã). Tuy nhiên, do dự án vướng giải phóng mặt bằng nên máy đào ‘Thần tốc’ và ‘Táo báo’ chưa chính thức đào tuyến đường hầm đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.
Máy đào dài hơn 90m, bao gồm các bộ phận chính như đầu cắt, khiên trước, khiên giữa, khiên đuôi, dẫn động chính, vít tải, hệ lắp dựng vỏ hầm, buồng điều áp và các hệ thống phụ trợ khác. Để vận hành trơn tru, mỗi máy đào cần 20 kỹ sư lành nghề làm việc một ca.
Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, máy đào hoạt động trên nguyên lý cân bằng áp lực đất. Cụ thể, phía sau khiên đào được bố trí một vách ngăn kín. Đất từ khiên đào sẽ rơi vào khoang kín và tạo ra sự cân bằng áp lực giữa đất đào và đất chưa đào, làm cho gương đào ổn định và không sạt lở.
Áp lực của đất trong khoang cân bằng được theo dõi bởi các thiết bị cảm biến đặt trực tiếp trong đó. Sau khi đào từng đoạn ngắn khoảng 1,5m, vỏ hầm (là các tấm bê tông cốt thép lắp ghép) được thi công ngay. Máy khoan đi đến đâu, vỏ hầm được lắp ghép đến đó để tránh sạt lở lớp đất, đá phía trên.
Đại diện Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, so với các phương pháp đào hầm thông thường, phương pháp khoan của máy đào hiện nay được cho là giảm thiểu tối đa ảnh hưởng giao thông, ít chiếm dụng diện tích hay ảnh hưởng tới các công trình xây dựng xung quanh...
3.000 công trình trong vùng ảnh hưởng
Theo Ban quản lý dự án đường sắt Hà Nội, các đơn vị liên quan của TP đã khảo sát hiện trạng khoảng 3.000 công trình xây dựng nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án, đánh giá rủi ro khi thi công tuyến đường sắt. Trong quá trình thi công dự án, các công trình này đều được lắp đặt hệ thống quan trắc để kiểm soát an toàn.
Các đơn vị liên quan của TP đã thống kê và đưa ra dự kiến có khoảng 50 công trình xây dựng sẽ bị ảnh hưởng khi máy đào hầm tuyến đường sắt bắt đầu hoạt động tại nhà ga S9 - Kim Mã.
Trong 50 công trình, có 7 nhà dân sẽ phải dỡ bỏ nhà do móng cọc nhà xuyên vào vị trí đường hầm. Sau khi máy đào đi qua, 7 ngôi nhà này sẽ được xây dựng lại nguyên trạng hoặc TP Hà Nội đền bù tiền cho người dân tự xây lại.
Để đảm bảo tuyệt đối an toàn, trong quá trình máy đào hoạt động, có 43 hộ phải tạm cư. Sau khi máy đào đi qua (dự kiến khoảng thời gian 1 tháng), từng ngôi nhà sẽ được kiểm tra, kiểm định chất lượng công trình. Nếu các ngôi nhà này đảm bảo tuyệt đối an toàn, người dân sẽ quay lại sinh sống bình thường.
“Quá trình quan trắc, theo dõi, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở các công trình, dự án ngay lập tức tạm dừng thi công tại khu vực đó, kích hoạt hệ thống an toàn”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội nói và cho biết, các nhà thầu tham gia thực hiện dự án bắt buộc phải mua bảo hiểm xây dựng công trình để đảm bảo chắc chắn các rủi ro nếu có sẽ được giải quyết.