Dù anh là đại gia hay sinh viên, đi xe hơi hay đi xe máy, ở biệt thự hay nhà trọ đều phải đi chung một con đường, hít chung một bầu không khí… Nước lũ không chừa một ai.
Không ai còn nghĩ đến Sài Gòn “hòn ngọc Viễn Đông” khi phải “lội” về nhà sau những cơn mưa dội xuống. Tôi nhớ đến bài nhạc chế “Lụt ngã tư đường” trong Táo quân năm 2009, không thể tin nổi sau gần 7 năm tình trạng “phố bỗng thành sông” vẫn không đổi mà ngày một nặng hơn. Bài toán quy hoạch đô thị của VN thật nan giải và “khác thường”.
Trong một chuyến công tác, tôi đến Đài Bắc đúng lúc cơn bão Meranti đổ bộ. Sau cơn bão, mọi thứ vẫn rất trật tự, đường phố sạch sẽ và không bị ngập nước. Đài Bắc có hệ thống giao thông công cộng phát triển. Hầu hết người dân đi lại bằng tàu điện ngầm nên hiếm khi kẹt xe, không khí khá trong lành. Đường có lối đi riêng cho xe đạp. Bạn tôi di chuyển bằng xe lăn trơn tru trên mọi con đường. Các công trình công hay tư đều “chào đón” anh ấy. Ở các thị trấn được gọi là miền quê của Đài Loan hiện đại hơn thành phố loại 3 của Việt Nam. Không có con đường nào mà ô tô 40 chỗ của chúng tôi không vào được. Nhà cửa ở miền quê rất chắc chắn. Đa số các nhà có ô tô.
Dù anh là đại gia hay sinh viên, đi xe hơi hay đi xe máy, ở biệt thự hay nhà trọ … nước lũ không chừa một ai. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Không phải ngẫu nhiên mà Đài Loan hiện đại như vậy. Họ nói các vấn đề về chính sách mọi lúc mọi nơi, trên truyền hình lúc nào cũng cãi nhau về các vấn đề xã hội.
Lúc tôi đến, hàng chục ngàn người, đủ mọi thành phần đang đấu tranh về cải cách lương hưu. Hai năm trước, phong trào Hoa Hướng Dương do những thanh niên Đài Loan lãnh đạo, huy động hơn 500.000 người tham gia.
Phong trào này phản đối hiệp định tự do mậu dịch trong lĩnh vực dịch vụ đối với láng giềng. Sau đó Chính phủ đã quyết định không xem xét hiệp định này đến khi có một luật giám sát hiệp định thương mại.
Còn ở nước ta, nhiều người sẵn sàng cam chịu, cho qua, ít thể hiện quan điểm, nhất là về chính sách. Tâm lý chung là “nói ra cũng không giải quyết được gì”. Đúng! Một tiếng nói đơn phương sẽ chẳng tác động gì đến chính sách, phải tập hợp nhiều tiếng nói, sẽ buộc người khác phải lắng nghe và căn chỉnh hành động.
Ai cũng biết, bảo đảm hạ tầng cơ sở trơn tru là trách nhiệm của chính quyền các cấp. Tại sao sau 7 năm đường phố vẫn còn bị ngập trầm trọng như thế? Ngân sách nhà nước cấp bao lâu nay cho đề án giải ngập, giải lụt đã được giải ngân như thế nào, chất lượng ra sao? Thử hỏi từng người dân đã đủ sâu sát buộc chính quyền giải trình rõ về những câu hỏi cấp bách đó hay chưa?
Để giải ngập, giải tắc có lẽ cần phải có một chính quyền đô thị lành mạnh và cần cả sự giám sát nghiêm khắc của công dân.
Có như vậy, những vấn đề nan giải này mới có thể giải quyết tích cực. Không Nhà nước nào có thể làm được mọi việc nếu không đồng hành cùng người dân, thực tiễn đã đúc kết như vậy với mọi thời kỳ, mọi chính thể, mọi chế độ.
Ngập lụt chỉ là một nút thắt nhỏ. Mà xã hội thì còn nhiều “nút” to cũng đang cần gỡ rối như: giáo dục, tham nhũng, oan sai, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường...
Dù anh là đại gia hay sinh viên, đi xe hơi hay đi xe máy, ở biệt thự hay nhà trọ đều phải đi chung một con đường, hít chung một bầu không khí… Nếu chúng ta không lên tiếng nói thẳng với nhau e những khuyết tật này sẽ khó thay đổi.
Trần Long Vi