Như báo chí phản ánh nhiều năm gần, đây, lễ hội đền Trần năm nào cũng có các quan chức tham dự. Tôi cũng không rõ họ đến với tư cách cá nhân, hay được mời đến trên cương vị đang đảm nhiệm... Quan chức nhà mình cũng nên nhạy cảm trong chuyện này.

Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo và ông Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.

Kỳ 1: Xưa các cụ làm chuẩn, nay ta khôi phục lệch lạc
Kỳ 2: Đã công khai cả những điều từng cấm kỵ

Nhà báo Thu Hà: Trở lại với câu chuyện các khách mời đang bàn ở phần trước,  xin hỏi các ông, đó là phải chăng,  quan chức không nên sử dụng trọng trách được giao để đi xin ấn đền Trần nói riêng và tham dự các nghi lễ tôn giáo nói chung?

Ông Ngô Đức Thịnh: Nên nghĩ đến việc đã có những địa phương, những cơ sở tín ngưỡng lợi dụng sự có mặt của quan chức trong các lễ hội ở nơi đó để mưu lợi, để nâng vai trò, uy tín của họ. Đáng tiếc là nhiều vị quan chức vì lý do này, lý do khác vẫn chưa ý thức về việc này.

Như báo chí phản ánh nhiều năm gần, đây, lễ hội đền Trần năm nào cũng có các quan chức tham dự. Tôi cũng không rõ họ đến với tư cách cá nhân, hay được mời đến trên cương vị đang đảm nhiệm.

Tôi nhớ hồi ông Bush sang nước ta tham dự hội nghị APEC. Ông ấy muốn đi lễ. Phía ta, nước chủ nhà đề nghị bố trí trang trọng để đón ông ấy tới nhà thờ Cửa Bắc. Nhưng ông ấy từ chối thế này, tôi đi lễ trong vai trò một con chiên. Khi tôi đến nhà thờ, tôi là tôi, chứ tôi không phải là Tổng thống, nên xin các vị đừng bố trí gì ghê gớm cả.

Quan chức nhà mình cũng nên nhạy cảm trong chuyện này.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Những lộn xộn đáng tiếc tại đền Trần những năm gần đây ngày càng trở nên nhiều hơn.

Như mọi người thấy, đã thành thông lệ, hàng năm, cứ ngày đó, giờ đó là các phương tiện truyền thông đều tập trung chú ý vào đền Trần.  Đáng tiếc là nhiều vị lãnh đạo vẫn chưa ý thức được. Bởi thế, vừa rồi tôi lại phải gay gắt đề nghị các vị lãnh đạo trước mắt không nên xuất hiện ở đó nữa, tôi không hề nói rằng các vị đó không được quyền đến đó.  Có điều, các vị ấy không nên xuất hiện với tư cách là lãnh đạo cao cấp tại những chỗ tâm linh. Chỗ này cần phải rõ ràng, rành mạch thì may ra mới khắc phục được sự lộn xộn trong một số lễ hội như chúng ta đang chứng kiến.

{keywords}
"Không được mang xe công đi khai hội đền Trần", ông Nguyễn Quốc Tuấn.

Có những ý kiến phản bác ý kiến của tôi, họ bảo rằng, ngân sách nhà nước có bị hao tổn không? Mọi người có phải đến đó với mục đích để xin đi làm quan đâu? Nhân tại cuộc trò chuyện này, tôi một lần nữa, khẳng định, nói như thế, lập luận như thế là không đầy đủ, là không có trách nhiệm.

Tôi hoàn toàn đồng ý với công điện của Thủ tướng chính phủ là, không được mang xe công đi lễ hội. Nhưng những gì xảy ra tại lễ khai ấn vừa rồi đã được truyền thông ghi lại hết. Chúng ta vẫn thấy hàng đoàn xe biển xanh đến từ các tỉnh thành. Có hay không chuyện ngân sách nhà nước phải chi phí cho các chuyến xe công vụ này?

"Có những địa phương, những cơ sở tôn giáo đang lợi dụng, đang trục lợi từ việc mời được các vị lãnh đạo cao cấp tới dự lễ hội tâm linh", ông Nguyễn Quốc Tuấn.

Bình tĩnh ngẫm thì thấy, sự xuất hiện của các quan chức tại một số lễ hội sẽ tạo ra hiệu ứng và sẽ tác động vào tâm lý xã hội như thế nào. Tôi đồng ý với ý kiến anh Thịnh là có những địa phương, những cơ sở tôn giáo đang lợi dụng, đang trục lợi từ việc mời được các vị lãnh đạo cao cấp tới dự lễ hội tâm linh. Bên cạnh đó, các vị ấy mà lại tham gia vào nghi thức nữa thì thật không đúng trong hành xử.

Thể chế nhà nước chúng ta là thế tục trung tính. Tức là tất cả các tôn giáo đều bình đẳng trước luật pháp. Chúng ta nên phấn đấu và khuyến khích điều đó. Các tôn giáo, các niềm tin thì thường có nghi thức khác nhau. Bên cạnh việc tôn trọng luật pháp sở tại, chúng ta vẫn phải áp dụng và tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế trong định hướng chính sách, điều chỉnh pháp luật và hành vi ứng xử.

Nhà báo Thu Hà: Tôn giáo, tín ngưỡng là vấn đề nhạy cảm, vậy chúng ta cần phải hành xử thế nào để dung hòa giữa pháp luật trong nước và quốc tế?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Chẳng có điều gì mâu thuẫn giữa những qui định trong nước và quốc tế.

Vấn đề ở chỗ người quản lý cộng đồng nên thông qua các nhà khoa học, và phải là những nhà khoa học có trách nhiệm, để cùng nhìn lại xem, khi khôi phục lại những tục lễ, nghi thức cổ, có cái gì cần phải điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển hiện nay không. Nếu thấy gì đó không còn phù hợp thì nên tìm giải pháp thay thế.

Chúng ta không cần phải học gì ghê gớm ở đâu xa. Hãy học từ chính ông cha mình.

Nhìn lại lịch sử tín ngưỡng một cách nghiêm túc sẽ thấy rõ ông cha ta luôn tìm ra những giải pháp thay thế những nghi thức không phù hợp thời thế như anh Thịnh đã nói rồi. Tôi khẳng định, những cổ tục hoàn toàn có thể xác lập trên nền tảng mới, không nên nghĩ giờ đây tiến bộ rồi, có những cái này, cái kia là man rợ, phải loại bỏ sạch trơn, ngay và luôn ra khỏi đời sống tâm linh của cộng đồng.

Nhà báo Thu Hà: Nhìn vào cách thực hành các cổ tục hiện nay phải chăng người Việt chúng ta đã thay đổi mục đích đến với tâm linh? Họ không còn đến để noi theo mà là đến chỉ để cầu lợi, mưu danh?

Ông Ngô Đức Thịnh: Bây giờ không cầu kỳ như hồi xưa. Ngày xưa, ông cụ thân sinh tôi, vốn là trưởng họ, thường được giao nhiệm vụ thay mặt dòng họ thắp hương với tổ tiên. Thường thì trước ngày đó vài hôm, cụ phải thanh sạch bản thân. Bây giờ đơn giản hơn rất nhiều rồi.

Tôn giáo là cả một kho tri thức, nhưng không phải tự nhiên mà nhập tâm được, tất cả đều phải được giáo dục.

Ở thời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, điều đáng buồn và vô cùng nguy hiểm là trục lợi từ tôn giáo, từ lễ hội tâm linh. Đó là sai lầm rất lớn, hậu quả lâu dài. Trong một chừng mực nào đó, có thể nói, cách chúng ta ứng xử với tôn giáo, cách chúng ta thực hành nghi lễ tâm linh là bức tranh phản ánh thực tại xã hội vào thời điểm đó.

{keywords}
"Thời nào cũng vậy, điều vô cùng nguy hiểm là các hành vi trục lợi từ tôn giáo, từ lễ hội tâm linh. Đó là sai lầm rất lớn, hậu quả lâu dài", ông Ngô Đức Thịnh.

Cứ nhìn vào thực tế sẽ thấy, giờ đây, cái gì cũng phải có tiền, nói chuyện cũng xoay quanh chuyện tiền nong, người người kiếm tiềm bằng mọi giá, kể cả tại những nơi linh thiêng. Tôi thấy có người còn mang cả những đồ mặn để đang cúng phật. Họ làm thế bởi vì họ không hiểu biết, họ tin là bỏ ra như vậy thì thần linh sẽ cho họ nhiều thứ hơn.

Không thể biện minh, hành động đưa  tiền, dúi tiền, ấn tiền vào tay tượng là rất phản tín ngưỡng, phản văn hóa. Cũng có thể nói, đó là muôn màu của trục lợi. Câu hỏi khiến tôi suy nghĩ mãi là, nếu lễ hội giúp một địa phương, một cộng đồng nào đó thu được hàng chục tỷ đồng hoặc hơn thế trong một kỳ lễ hội thì liệu rằng họ có dám từ bỏ không?

Người bình thường cũng không khó để có thể nhận ra khuynh hướng trục lợi, sử dụng tiền để đi vào con đường tâm linh. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là trào lưu nhận thức của xã hội, mới chỉ một số lẻ tẻ nhận thức ra thôi.

"Nếu lễ hội giúp một địa phương, một cộng đồng nào đó thu được hàng chục tỷ đồng hoặc hơn thế trong một kỳ lễ hội thì liệu rằng họ có dám từ bỏ không?", ông Ngô Đức Thịnh.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Chỉ khi nào chúng ta đạt đến sự ổn định trật tự xã hội và liên quan chặt chẽ đến cải thiện môi trường xã hội thì may ra mới cải thiện được. Đó là khi con người đến với những điều linh thiêng của mình như là một phương thức giãi bày niềm tin. Chứ còn như thế này thì lúc nào người ta cũng sẵn sàng tâm thế nghĩ ngay đến trục lợi, kể cả trục lợi tâm linh.

Nhưng, chúng ta cũng không nên quá bi quan là không thay đổi được. Theo tôi tất cả những gì đã được nghiên cứu, được xã hội đồng thuận và chia sẻ thì truyền thông cũng nên tham gia có trách nhiệm và giúp người dân tỉnh ngộ chứ đừng thông tin không đến nơi đến chốn.

Trong câu chuyện này, chúng ta cần phải kiên trì, kiên nhẫn, nếu như chúng ta cứ tảng lờ, không sớm giải quyết rốt ráo thì chính người dân chịu thiệt.

Nhà báo Thu Hà: Vậy thì nhà nước, cụ thể là chính quyền địa phương và Bộ văn hóa, thể thao và du lịch nên làm những gì để giúp các cộng đồng giảm thiểu những lễ hội bát nháo, lộn xộn hiện nay?

Ông Nguyễn Quốc Tuấn:  Chúng ta không nên quá bi quan và cho rằng tôn giáo này có thể dễ trục lợi hơn tôn giáo kia. Không có chuyện đó đâu. Và các tôn giáo hoàn toàn có thể học hỏi lẫn nhau, xã hội cũng phải học hỏi các tôn giáo, các nhà quản lý cũng nên học hỏi các tôn giáo. Tôn giáo nào có các hành xử đúng nên được hỗ trợ để phổ biến, nhân rộng các giá trị. Đó là tương tác, phù hợp với xã hội ngày nay.

Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch nên lưu tâm đến các hành vi, hoạt động hơn là đề các cấm đoán này nọ. Càng không nên thể hiện bằng hình thức quản lý này kia.

Cái chúng ta cần lúc này là mỗi cộng đồng, mỗi người dân, mỗi nhà nghiên cứu và cả nhà nước cần phải ý thức một cách đầy đủ vị trí, vai trò của mình với các vấn đề xung quanh tôn giáo, tâm linh. Truyền thông đưa tin cũng cần hết sức thận trọng, không nên tạo nên hiệu ứng truyền thông. Các nhà nghiên cứu thì như thế nào? Và, vai trò của các các chức sắc tôn giáo hết sức quan trọng vì chính họ là người có thể điều chỉnh hành vi của tín đồ.

{keywords}
"

"Những cổ tục hoàn toàn có thể xác lập trên nền tảng mới, không nên nghĩ giờ đây tiến bộ rồi, có những cái này, cái kia là man rợ, phải loại bỏ sạch trơn, ngay và luôn ra khỏi đời sống tâm linh của cộng đồng", ông Nguyễn Quốc Tuấn

Chỉ khi cùng ngồi lại với nhau, cùng thuyết phục nhau có trách nhiệm thì sẽ tìm ra giải pháp. Tôi một lần nữa nhấn mạnh rằng, chính cộng đồng là chủ thể phải đưa quyết định, đưa ra giải pháp thay thế, điều chỉnh chứ không phải là nhà quản lý hay nhà khoa học. Nhưng để mỗi cộng đồng có thể làm được như vậy thì rất cần nhà nước, nhà khoa học và cả truyền thông chung tay.

Chính môi trường minh bạch, công khai, hỗ trợ và có trách nhiệm sẽ là giải pháp giúp cho sự lộn xộn hiện nay sớm trở lại trật tự, nề nếp, hài hòa. Và đó mới là mục tiêu như Thủ tướng chính phủ đã nói, “xây dựng một nhà nước kiến tạo, nhà nước hỗ trợ thay vì nhà nước quản lý”.

Ông Ngô Đức Thịnh: Thực ra cũng còn chưa rành mạch đâu. Ví dụ như việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chủ trì chấm điểm các ban quản lý di tích. Rồi các cuộc thi này nọ liên quan đến nghi lễ tâm linh. Ngay cả việc tổ chức thanh tra, kiểm tra các ban quản lý lễ hội nữa. Nên làm như thế nào, làm như hiện nay có hiệu quả không là những việc vẫn cần bàn thêm.

"Đối với các lễ hội thì nhà nước cần phải hỗ trợ người dân hiểu rõ đúng, sai thay vì đóng vai trò như “cảnh sát” nhăm nhăm đề ra các chỉ tiêu phạt, hay tham gia vào việc xử lý tiền công đức", ông Nguyễn Quốc Tuấn.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn: Tôi nghĩ, chúng ta vẫn luẩn quẩn ngụy biện kiểu “trên đúng dưới sai”, thường quên mất hậu kiểm khiến cho bên dưới chỉ làm tốt ở thời điểm thanh tra, kiểm tra, chấm điểm. Sau đó mọi thứ lại lộn xộn lại như cũ.

Cho nên tôi mới phải nói mạnh nhiều lần rằng, đối với các lễ hội thì nhà nước cần phải hỗ trợ người dân hiểu rõ đúng, sai thay vì nhăm nhăm đề ra các chỉ tiêu phạt, hay tham gia vào việc xử lý tiền công đức.

Nhà báo Thu Hà: Cám ơn hai vị khách mời đã tham gia trò chuyện cùng Tuần Việt Nam, cám ơn quí vị độc giả đã dành thời gian theo dõi. Hẹn gặp lại tại các cuộc trò chuyện tiếp theo.

Tuần Việt Nam - Ảnh: Phạm Hải – Quay clip: Xuân Quí, Đức Yên – Dựng clip: Huy Phúc