Tránh bảo hộ ngược để tạo sự công bằng và theo kịp sự phát triển là những điều cần có trong Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet.
Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã công bố công khai Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, đồng thời đang lấy ý kiến đóng góp từ người dân và các chủ thể liên quan. Báo VietNamNet xin chuyển đến bạn đọc các ý kiến đóng góp cho dự thảo này.
Ngày 17/7, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) công bố Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet. Dự thảo được công bố công khai để lấy ý kiến đóng góp từ người dân và các chủ thể liên quan.
Một trong những vấn đề được nhiều người đặt ra, đó là quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet cần tránh tình trạng bảo hộ ngược trong thời gian qua để tạo sự công bằng và theo kịp sự phát triển.
“Bảo hộ ngược” là cách nói ví von của dân làm công nghệ ở Việt Nam khi đề cập đến vấn đề quản lý Internet. Thời kỳ web 2.0 bùng nổ, hàng loạt mạng xã hội “Make in Vietnam” ra đời, trong đó có những mạng xã hội không thua kém và có thể cạnh tranh sòng phẳng với mạng xã hội quốc tế như Nhaccuatui ở lĩnh vực âm nhạc, hay Zingme ở thời điểm ấy có thể cạnh tranh sòng phẳng với Facebook, thậm chí có nhiều thời điểm còn vượt Facebook về lượng người sử dụng. Thế nhưng, những bất cập trong quản lý đã khiến các mạng xã hội của Việt Nam rơi rụng dần và cuối cùng lĩnh vực này nằm trong tay các nền tảng xuyên biên giới.
Lý giải nguyên nhân thất bại, đại diện nhiều mạng xã hội trong nước lúc bấy giờ cho biết, đó là sự không công bằng trong quản lý. Cụ thể, các mạng xã hội trong nước phải xin phép hoạt động, tuân thủ các tiêu chuẩn cộng đồng, bị phạt nặng khi có các nội dung vi phạm… thì các mạng xã hội xuyên biên giới lại không bị gì, vẫn vô tư hoạt động không phép và đầy rẫy nội dung vi phạm, nhưng lại không bị chế tài xử phạt.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Long Thuỷ, Tổng Giám đốc VieON cho biết, trước giờ VieON đã đề cập rất nhiều đến vấn đề này, bởi các doanh nghiệp trong nước cảm thấy có sự bất bình đẳng. Chẳng hạn như một bộ phim muốn được chiếu tại Việt Nam, doanh nghiệp trong nước phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn về cộng đồng, từ hình ảnh trẻ em tới các cảnh “nhạy cảm”, giới tính, ma tuý, thuốc lá, hay về chủ quyền biển đảo… nếu như vi phạm thì ngay lập tức sẽ bị xử phạt, còn các doanh nghiệp cùng cung cấp dịch vụ của nước ngoài như NetFlix thì có thể chiếu một cách vô tư không theo quy định nào, khi bị ý kiến thì cùng lắm chỉ hạ xuống.
Bên cạnh đó còn liên quan đến vấn đề về thuế, rõ ràng các nền tảng xuyên biên giới có thuê bao trả tiền tại Việt Nam, nhưng không thể đánh thuế trực tiếp được vì không có văn phòng ở trong nước.
Có một thực tế, sự công bằng trong quản lý không chỉ xảy ra ở nền tảng trong nước và xuyên biên giới, mà còn xảy ra cả ở trường hợp các nền tảng xuyên biên giới với nhau.
Cụ thể, đại diện của một nền tảng xuyên biên giới đang có văn phòng tại Việt Nam cho biết, kể từ khi họ đặt văn phòng hoạt động tại Việt Nam đã liên tục tuân thủ quy định của các cơ quan quản lý trong nước, phối hợp với cơ quan quản lý để gỡ bỏ các vi phạm, nhiều vi phạm trên nền tảng được gỡ bỏ rất nhanh chóng và kịp thời.
Thế nhưng, họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi liên tục bị lên án về các sai phạm trên nền tảng, trong đó, khó khăn là các sai phạm được chỉ ra chỉ mang tính chung chung, không có các quy định pháp luật một cách cụ thể và rõ ràng vì thế rất khó để xử lý, do quy định của nền tảng xuyên biên giới được áp dụng chung trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, đại diện nền tảng cũng cho biết, họ cảm thấy rất bất công bởi trong khi họ bị kiểm tra, xử lý thì các nền tảng xuyên biên giới khác lại không bị gì, mặc dù một số nền tảng còn có nhiều nội dung sai phạm nghiêm trọng hơn rất nhiều, như các sai phạm liên quan đến chính trị, an ninh quốc gia…
Bên cạnh sự công bằng, một vấn đề nữa được đặt ra là quản lý cần theo kịp sự phát triển. Ông Nguyễn Hoàng Long, một kỹ sư công nghệ tại TP.HCM cho biết, trong Nghị định sửa đổi vẫn còn thiếu các quy định về quản lý liên quan đến các công nghệ mới game Blockchain, các nền tảng web3, metaverse hay đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mà điển hình là AI tạo sinh đang tạo làn sóng tác động mạnh mẽ đến Internet trong thời gian qua.