Xu hướng của các nhà mạng trên thế giới hiện nay là trở thành những nền tảng số, các công ty công nghệ số. Họ cung cấp rất nhiều dịch vụ, từ nội dung số cho đến dịch vụ viễn thông, Internet. Điều này đặt ra những bài toán quản lý mới cho lĩnh vực TT&TT. 

Trong bối cảnh đó, các nhà mạng phải có cách quản lý, ứng xử phù hợp trên cơ sở các quy định pháp lý được sửa đổi. Điều này nhằm bảo vệ các đơn vị đang cung cấp dịch vụ viễn thông đúng với quy định của pháp luật và quản lý những đơn vị cung cấp các dịch vụ viễn thông trên nền tảng Internet xuyên biên giới. 

Họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ TT&TT. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ TT&TT sáng 5/5, đại diện Bộ TT&TT cho rằng, lĩnh vực viễn thông đang xuất hiện những vấn đề từng thấy trong lĩnh vực phát thanh truyền hình và Internet. Đó là làm sao để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. 

Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay: "Quan điểm của Bộ TT&TT là dịch vụ có tính chất giống nhau sẽ quản lý giống nhau. Chính vì vậy, Cục Viễn thông đã đề xuất đưa quy định dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet là dịch vụ viễn thông vào dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi". 

Trong dự thảo sửa đổi Luật Viễn thông sẽ được trình lên Quốc hội thời gian tới, Bộ TT&TT đã quy định rất rõ những hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông. Đây không chỉ là các hành vi của doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông mà bao gồm cả những hành vi bị cấm đối với người sử dụng mạng viễn thông. 

“Đó là những hoạt động sử dụng mạng viễn thông để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo, bôi nhọ, nói xấu cá nhân, tổ chức, tung tin giả, lan truyền thông tin thất thiệt chống Nhà nước. Luật Viễn thông sửa đổi sẽ làm rõ quy trình xử lý đối với những đối tượng này”, đại diện Bộ TT&TT nói. 

Theo Bộ TT&TT, việc sửa đổi Luật Viễn thông sẽ đóng vai trò hỗ trợ và đồng bộ với các nhóm giải pháp khác nhằm xử lý các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, có việc ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông - công cụ được những đối tượng xấu sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm. 

Một người dùng Việt Nam sử dụng app nhắn tin WhatsApp. Ảnh: Trọng Đạt

Trước đó, dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi đã đặt vấn đề về việc quản lý các dịch vụ OTT nhằm có biện pháp bảo vệ người dùng Việt Nam khi sử dụng các dịch vụ nhắn tin, gọi điện xuyên biên giới. Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi là việc đưa các dịch vụ nhắn tin, gọi điện OTT như Zalo, Viber, WhatsApp, Telegram vào trong phạm vi điều chỉnh của Luật. 

Cụ thể, Điều 22 trong dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi đã đưa ra các quy định về việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải theo các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trong trường hợp không thu cước phí, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải thông báo với Bộ TT&TT về thông tin liên hệ. 

Với trường hợp có thu cước hoặc không thu cước người sử dụng nhưng có số lượng người sử dụng hoặc phát sinh lưu lượng tại thị trường Việt Nam vượt mức ngưỡng theo quy định, phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.