Là một tỉnh ven biển nằm ở phía nam khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Bình có đường bờ biển dài trên 116 km, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 20.000 km2.

Hiện tỉnh Quảng Bình có hơn 3.600 tàu đánh bắt hải sản; trong đó có gần 1.200 tàu dài từ 15 m trở lên chuyên đánh bắt xa bờ. Tổng sản lượng khai thác biển 10 tháng qua ước đạt 66.340 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh việc hỗ trợ, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, đánh bắt thủy hải sản góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển đảo quê hương, tỉnh Quảng Bình còn đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật, tăng cường kiểm tra, xử lý quyết liệt để hạn chế tình trạng đánh bắt hải sản trái phép, giảm hoạt động đánh bắt gần bờ và có kế hoạch chuyển đổi nghề phù hợp cho ngư dân ổn định cuộc sống. 

anh 11ss.jpg
Quảng Bình khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Mới đây, tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 2708 về thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản (KTHS) ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, giai đoạn đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi 290 tàu cá hoạt động ở vùng biển ven bờ và 40 tàu cá hoạt động ở vùng lộng đang làm KTHS sang nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí, các nghề mà địa phương đang có định hướng phát triển; chuyển đổi 50 tàu cá hoạt động ở vùng biển khơi, trong đó tập trung chuyển đổi các tàu làm nghề lưới kéo, rê thu ngừ sang các nghề lồng bẫy, chụp, vây, câu, dịch vụ hậu cần; tập huấn, đào tạo nghề cho 1.100 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới.

Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, chuyển đổi 390 tàu cá hoạt động ở vùng ven bờ và 60 tàu cá hoạt động ở vùng lộng đang làm KTHS sang nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí, các nghề mà địa phương đang có định hướng phát triển; chuyển đổi 80 tàu cá hoạt động ở vùng biển khơi, trong đó tập trung chuyển đổi các tàu làm nghề lưới kéo, rê thu ngừ sang các nghề lồng bẫy, chụp, vây, câu, dịch vụ hậu cần, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí; tập huấn, đào tạo nghề cho 1.600 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới.

Đến năm 2045, cơ bản hoàn thiện việc chuyển tàu cá làm nghề KTHS ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi hải sản, môi trường, hệ sinh thái của các vùng biển; góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nâng cao hiệu quả quản lý đội tàu cá, ổn định đời sống của ngư dân; tham gia chủ động, có trách nhiệm để phát triển hiệu quả, bền vững ngành khai thác thủy sản.

Để đạt được mục tiêu, tỉnh sẽ triển khai một số cơ chế, chính sách như: Khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ KTHS trên các vùng biển xa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thủy sản hàng năm; xây dựng thí điểm, nhân rộng và chuyển giao mô hình chuyển đổi nghề nghiệp, ưu tiên những mô hình chuyển đổi tạo được nhiều việc làm cho lao động...

Kế hoạch nhằm chuyển đổi một số nghề KTHS ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề KTHS có ảnh hưởng ít hơn hoặc sang các ngành nghề khác ngoài khai thác thủy sản để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đội tàu cá trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi; cải thiện môi trường làm việc và đảm bảo 100% ngư dân chuyển đổi nghề có việc làm ổn định, thu nhập bảo đảm cuộc sống sau khi chuyển đổi nghề.

Theo nhiều nhiều ngư dân có kinh nghiệm ở Quảng Bình, đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái của tỉnh trong những năm tới là việc làm cần thiết để giữ gìn nguồn lợi thủy sản bền vững, lâu dài. Bởi có những thời điểm, dấu hiệu nguồn hải sản bị cạn cạn kiệt, sản lượng sụt giảm là rất rõ, gây sự lo lắng cho ngư dân. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi hiệu quả, tỉnh cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp và thiết thực để bảo đảm đời sống cho ngư dân, nhất là ở vùng biển ven bờ, bãi ngang.

Tiến Quang