Quảng Bình là tỉnh ven biển miền Trung, có đường bờ biển dài trên 116km, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 2 vạn km2, có 6/8 huyện, thị xã, thành phố giáp biển, 5 cửa sông lớn, có hệ thống đảo Hòn La, Hòn Gió, Hòn Chùa, Hòn Nồm, Hòn Cỏ. Vịnh Hòn La có diện tích mặt nước 4km2 với độ sâu trên 15m và các đảo che chắn xung quanh, là điều kiện thuận lợi để phát triển cảng biển, khu neo đậu, dịch vụ hậu cần nghề cá và vận tải biển. Ngư trường rộng, trữ lượng hải sản lớn, ước tính khoảng 10 vạn tấn, với 1.650 loài hải sản có giá trị kinh tế cao, như tôm hùm, tôm sú, mực nang, mực ống,... Nhiều bãi tắm đẹp, như Vũng Chùa - Đảo Yến, Đá Nhảy, Nhật Lệ, Hải Ninh, Ngư Thủy... kết hợp với hệ thống đường giao thông đồng bộ, dễ dàng kết nối với các tỉnh, thành phố trong nước và khu vực. Hệ thống đường ven biển đang được xây dựng là những điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển các ngành kinh tế biển.

Từ những lợi thế rất thuận lợi đó và để phát triển kinh tế biển một cách hiệu quả, trong những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, đồng thời tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cho lĩnh vực kinh tế quan trọng này.

Trong các kế hoạch, chương trình hành động, Quảng Bình xác định các lĩnh vực trọng tâm để phát triển kinh tế biển là phát triển mạnh các ngành kinh tế liên quan đến biển như: Du lịch, dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng, khai thác hải sản; hậu cần nghề cá; khai thác khoáng sản biển; năng lượng tái tạo; kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới, gắn với hình thành văn hóa sinh thái biển; cải thiện sinh kế bền vững và nâng cao đời sống người dân vùng biển. Đồng thời, thu hút đầu tư hạ tầng, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ven biển.

Về công nghiệp ven biển của tỉnh, Khu kinh tế Hòn La được xác định là trung tâm động lực kết nối phát triển vùng, trong đó, Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I đã khởi công với tổng mức đầu tư trên 41.000 tỷ đồng, góp phần đáng kể tăng nguồn thu ngân sách vừa tạo thuận lợi cho các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển và việc làm cho lao động địa phương.

Quảng Bình chú trọng thu hút các nguồn lực để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông như: Cảng biển, sân bay, đường cao tốc, đường ven biển...; phát triển hệ thống đô thị ven biển theo hướng đồng bộ, hiện đại, theo tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh.

anh sua 40ss.jpg
Thông tin, kiến thức về biển và đại dương phải được truyền tải thường xuyên, liên tục đến từng nhóm đối tượng. 

Đặc biệt, để hoàn thành các mục tiêu này, Quảng Bình đã ban hành kế hoạch truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 nhằm nâng cao nhận thức, gắn với đa dạng hóa các hình thức, nội dung truyền thông theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, hải đảo. Bảo đảm sự thống nhất, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở trong việc thực hiện truyền thông về biển và đại dương. Đồng thời, tạo sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan; sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân trong công tác truyền thông về biển và đại dương.

Theo kế hoạch này, công tác truyền thông về biển và đại dương phải được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, gắn với thực tiễn từng ngành, địa phương, vùng miền và từng thời điểm; được triển khai thực hiện hiệu quả, toàn diện, chặt chẽ, bài bản và có tính đột phá từ tỉnh đến huyện, xã, thôn. 

Thông tin, kiến thức về biển và đại dương phải được truyền tải thường xuyên, liên tục, chính xác và hấp dẫn đến từng nhóm đối tượng. Nội dung và hình thức truyền thông phải thường xuyên đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa như trên các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông cá nhân; hệ thống thông tin cơ sở (hệ thống loa cấp xã, khẩu hiệu, v.v…); truyền thông trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; truyền thông kết hợp quảng bá du lịch và các hoạt động kinh tế biển khác; phát động, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, sáng tác ảnh, video clip khám phá vẻ đẹp, môi trường biển, đại dương trên địa bàn tỉnh; truyền thông qua các xuất bản phẩm, phim tài liệu, tư liệu, sự kiện, triển lãm,...về biển và đại dương, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương Thế giới.

Đồng thời, lồng ghép vào nội dung truyền thông thông tin về nghiên cứu khoa học và công nghệ về biển và đại dương; kiến thức khoa học về các hệ sinh thái biển; hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Với nhiều động thái quyết liệt, từ việc đưa ra các mục tiêu cụ thể, giải pháp thực hiện cũng như chú trọng công tác truyền thông cho thấy Quảng Bình đang tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tiến Quang