Tỉnh Quảng Nam đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, với mục tiêu lọt Top 20 tỉnh, thành phố có mức độ chuyển đổi số cao nhất trong năm nay, sớm trở thành địa phương nằm trong tốp đầu về chuyển đổi số vào năm 2030.

Để triển khai thực hiện tốt mục tiêu đó, tỉnh Quảng Nam đã và đang phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương, đây là cách làm giúp đưa nền tảng số, công nghệ số đến từng gia đình, từng người dân nhanh hơn và hiệu quả.

Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Nam Phạm Thị Ngọc Quyên: Tổ công nghệ cộng đồng có vai trò quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số ở Quảng Nam. UBND tỉnh có chủ trương thành lập các tổ công nghệ cộng đồng tại các xã để triển khai tuyên truyền, hướng dẫn người dân về công cuộc chuyển đổi số ở Quảng Nam. Song song với đó là công tác giới thiệu, hướng dẫn cho người dân sử dụng các phần mềm như Smart Quảng Nam, phản ánh kiến nghị 1022 Quảng Nam.

Các thành viên tổ công nghệ cộng đồng các khu phố ở TP Tam Kỳ được tập huấn về chuyển đổi số hàng tuần. Ảnh: Công Sáng

“Từ đó, các tổ công nghệ cộng đồng là lực lượng trực tiếp đến tận nhà người dân để hướng dẫn cài đặt và sử dụng các ứng dụng này. Ngoài ra, còn hướng dẫn cho người dân cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Hơn nữa, lực lượng này giới thiệu về lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử của tỉnh”, bà Quyên cho hay.

6 giải pháp quyết liệt triển khai công tác chuyển đổi số bền vững

Những giải pháp quyết liệt tỉnh triển khai công tác chuyển đổi số bền vững trong năm 2023 và các năm tiếp theo

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS.

Hai là, xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp CĐS toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh Quảng Nam; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình CĐS.

Ba là, đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số: tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, tăng cường dùng chung hạ tầng thông tin.

Bốn là, xây dựng chính quyền số, hình thành các đô thị thông minh phát triển hạ tầng chính quyền số phục vụ cơ quan Nhà nước trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet, trung tâm dữ liệu của cơ quan nhà nước để phục vụ kết nối liên thông, xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Năm là, thúc đẩy phát triển kinh tế số, với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế của tỉnh.

Sáu là, phát triển xã hội số, triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, giám đốc điều hành các doanh nghiệp.

Thực hiện nhiệm vụ do Ủy ban chuyển đổi số Quốc gia giao cho tỉnh Quảng Nam: tiên phong tổ chức triển khai, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc; tổ chức sơ kết, đánh giá trước tháng 9/2023 (cơ quan phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông).

Tổ công nghệ số do UBND các xã, phường, thị trấn ban hành quyết định thành lập. Trong đó, mỗi thôn, bản, tổ dân phố có thể thành lập 1 Tổ Công nghệ số cộng đồng, mỗi Tổ Công nghệ số cộng đồng có thể gồm Trưởng thôn/bản, Tổ trưởng tổ dân phố và ít nhất 4 nhân sự.