Những con số nhức nhối liên quan đến nạn xâm hại trẻ em vừa được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam thống kê. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, Quảng Nam có 15 trẻ em bị xâm hại, bạo lực.

Trước đó, năm 2022, toàn tỉnh đã phát hiện 36 vụ xâm hại người dưới 16 tuổi với số trẻ bị xâm hại là 39 trường hợp, tăng 8 vụ so với năm 2021.

Báo cáo từ Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em năm 2022 nêu rõ, tình hình xâm hại, nhất là xâm hại tình dục trẻ em còn diễn biến phức tạp, số lượng trẻ em bị tổn thương còn nhiều.

"Số vụ dâm ô trẻ em gia tăng, đa số đối tượng xâm hại là người quen biết với nạn nhân, các đối tượng lợi dụng các em còn nhỏ tuổi chưa có ý thức phòng vệ hoặc lợi dụng sự sơ hở của cha mẹ, các cháu ở nhà một mình... để thực hiện hành vi xâm hại tình dục.

Nguyên nhân, điều kiện phát sinh loại tội phạm này rất đa dạng, nhưng cơ bản là do sự suy đồi về đạo đức của một bộ phận đối tượng phạm tội, sự thiếu quan tâm của bậc phụ huynh đối với con em mình, trẻ em chưa được trang bị các kỹ năng sống, tự bảo vệ bản thân". Cùng với đó, các thủ đoạn dụ dỗ trẻ em qua mạng xã hội ngày càng tinh vi. 

Diễn đàn Trẻ em tỉnh Quảng Nam năm 2023 với chủ đề "Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em".

Năm 2022, Công an tỉnh Quảng Nam đã điều tra và giải cứu thành công bé gái bị lừa làm nhân viên phục vụ quán karaoke tại Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, cả tin của trẻ, các đối tượng xấu đã sử dụng Internet để dụ dỗ, lôi kéo trẻ em dưới 16 tuổi phục vụ tại các quán karaoke, massage ngày càng phổ biến.

Đại diện Công an tỉnh cho biết, đây là loại tội phạm có độ ẩn cao, tồn tại nhiều dưới dạng nguy cơ và có khả năng xảy ra trên các địa bàn như khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chưa kể, theo đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội, tình trạng trẻ em lạm dụng đồ chơi công nghệ, nghiện game, điện tử, trẻ em truy cập các trang mạng Internet có nội dung độc hại hoặc các trò chơi không lành mạnh có nguy cơ tăng cao. An toàn cho trẻ trên không gian mạng được đặt ra khi ngày càng nhiều các thủ đoạn lừa đảo tinh vi hướng đến đối tượng là trẻ em sử dụng Internet.

Bên cạnh đó, những nguy hiểm rình rập trẻ em trên không gian mạng cũng ngày một gia tăng. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEP), 92% trẻ em Việt Nam có sử dụng thiết bị kết nối Internet, trong đó 89% trẻ lên mạng hàng ngày.

Tuy vậy, trẻ chưa đủ kiến thức và kỹ năng để nhận biết các nguy hiểm cũng như cách xử lý để tự bảo vệ mình. Chỉ có khoảng 1/3 trẻ em được dạy, tập huấn về đảm bảo an toàn trên mạng.

Trong một khảo sát vào năm 2022 của UNICEF trên 994 trẻ em Việt Nam có độ tuổi từ 12 đến 17, có đến 2% trẻ báo cáo tình trạng bị yêu cầu trò chuyện liên quan đến chủ đề tình dục khi bản thân không hề mong muốn; 1% bị yêu cầu chia sẻ clip, ảnh khỏa thân; 5% phải xem những hình ảnh nhạy cảm không mong muốn; 8% nhận được những bình luận khiếm nhã.

Nhiều cấp ngành chung tay bảo vệ

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam Trương Thị Lộc cho hay, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại Quảng Nam thời gian qua luôn có sự đồng hành của nhiều cấp, ngành. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện công tác này.

Theo đó, tỉnh Quảng Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030. Thực hiện sắp xếp đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em và nhân viên y tế thôn, bản trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh và Quyết định 694 của UBND tỉnh… Các mạng lưới và hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em được hình thành đến từng thôn, khối phố và đi vào hoạt động, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em.

Tuy nhiên, trước những tồn tại trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em với rất nhiều nguy cơ đang đe dọa môi trường sống của trẻ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, chính quyền các huyện, thành phố, thị xã, các sở ngành liên quan tiếp tục quan tâm quán triệt, nâng cao nhận thức đầy đủ ý nghĩa, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cả cộng đồng đối với việc chăm lo đến trẻ em.

Ông Tuấn cho hay, cần tạo lập “địa chỉ đỏ” đối với các trẻ em trong điều kiện ngân sách, huy động nguồn lực trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn. Điều này nhằm kịp thời nắm bắt thông tin, tiếp nhận trường hợp trẻ đặc biệt khó khăn nhất, khó khăn trong lĩnh vực, hoàn cảnh nào để có sự tiếp cận, hỗ trợ sát đúng và kịp thời.

Trần Văn Thường, Bùi Bình Minh