Tạo lập nguồn vốn sinh kế giảm nghèo bền vững
Bà Giềng Thị Mán (thôn 7, xã Quảng Long, huyện Hải Hà), một nông dân trồng chè lâu năm chia sẻ: “Vườn chè của tôi thường xuyên được mùa, có năm thu hoạch gần 8 tấn/ha, sau khi trừ chi phí tôi lãi gần 30 triệu đồng/năm. Để tăng thu nhập từ vườn dưa, tôi quyết định mở rộng thêm 1ha. Đang lúc thiếu vốn, tôi được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi để cải tạo đất trồng, mua phân bón, mua giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Chỉ 1 - 2 năm nữa, thu nhập của gia đình tôi chắc chắn sẽ tăng”.
Bà Mán chỉ là một trong hàng vạn lượt hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Ninh được vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế.
Để giảm nghèo bền vững, tỉnh Quảng Ninh kiên trì với phương châm chuyển từ "cho không" sang "cho vay", vừa tạo nguồn lực cho người dân phát triển sản xuất, vừa nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc sử dụng vốn. Từ năm 2021 đến cuối năm 2023, tỉnh bố trí 240 tỷ đồng từ ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay tại 65 xã, thị trấn vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Toàn tỉnh đã có 3.475 lượt người dân tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn với số tiền 258,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập. Qua đó, tổng nguồn ủy thác tại địa phương đến nay đạt 1.025 tỷ đồng, đưa Quảng Ninh là địa phương top đầu cả nước về nguồn vốn ủy thác.
Những quyết sách chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Nghị quyết 06 đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, gia cảnh khó khăn.
Để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tổng mức đầu tư dự kiến 4.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, Quảng Ninh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 100% kinh phí cấp thẻ BHYT cho người DTTS sinh sống ở các xã mới ra khỏi vùng khó khăn và người đang sinh sống ở những xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 (theo số liệu của BHXH tỉnh, hiện toàn tỉnh có 71.812 người thuộc đối tượng trên được cấp 100% thẻ BHYT). Qua đó, góp phần bao phủ BHYT, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người dân vùng DTTS và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội.
Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, triển khai mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ giáo dục vùng cao, vùng khó. Theo đó, hơn 2.100 lượt học sinh đã được hỗ trợ học phí (tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng); 3.171 lượt trẻ mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa 2 buổi/ngày (gần 3 tỷ đồng)... Sở Thông tin & Truyền thông tích cực phối hợp với các địa phương rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng gói dịch vụ viễn thông công ích theo quy định.
Quy định chuẩn nghèo đa chiều
Để đưa người dân trên khắp mọi miền Quảng Ninh, nhất là khu vực DTTS và miền núi được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Theo đó, quy định chuẩn hộ cận nghèo cụ thể ở khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,6 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội; ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,1 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội. Với quy định này, Quảng Ninh nâng tiêu chí thu nhập của hộ nghèo trong tỉnh cao hơn so với Trung ương khoảng 1,4 lần.
Với lộ trình thực hiện trong 2,5 năm, Quảng Ninh phấn đấu giảm 1.000 hộ nghèo, 4.600 hộ cận nghèo; đến hết năm 2025 còn 1.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo dưới 0,5% theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh. Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới, giúp đối tượng thụ hưởng chính sách tiếp cận gần hơn với mức sống tối thiểu của người dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống của người dân các vùng miền trong tỉnh Quảng Ninh.
Đến cuối tháng 11/2023, 100% xã đặc biệt khó khăn của Quảng Ninh đã có đường ôtô được bê tông hóa đến trung tâm xã; 177/177 xã phường, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% hộ dân tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 97,82% số hộ dân tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. |
Công Duy