Tại Hội thảo “Quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp, thực trạng và giải pháp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UNDP Việt Nam thông qua Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) tổ chức mới đây, ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh đã có bài tham luận giới thiệu kết quả hoạt động chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) sang vật liệu nổi theo Quy chuẩn QCĐP 08:2020/QN tại tỉnh Quảng Ninh.

Trong bối cảnh Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của BCH khóa XII, về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tập trung Nuôi trồng và khai thác hải sản; Các nghị quyết, đề án, kế hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chi cục Thủy sản Quảng Ninh đã nhận diện rác thải nhựa từ hoạt động nuôi trồng thủy (NTTS) sản bao gồm: Vật liệu nuôi cá (lưới, phao xốp), vật liệu nuôi hàu (cước, phao xốp), vật liệu nuôi ngao (lồng PVC)…

Quảng Ninh đã tổ chức điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng và quản lý các vật liệu làm phao nổi trong NTTS lợ, mặn; nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của các vật liệu sử dụng làm phao nổi và các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của vật liệu sử dụng làm phao nổi đang được sử dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó tham khảo các tiêu chí về độ bền của vật liệu được tổng hợp theo các tài liệu của FAO 2015 và các tài liệu có liên quan; các tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến các phép thử xác định độ bền của vật liệu…

1 phao xop quang ninh.jpg
Quảng Ninh đã tổ chức điều tra khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng và quản lý các vật liệu làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản.

Quảng Ninh đã triển khai chương trình chuyển đổi vật liệu phao nổi trong NTTS trên địa bàn tỉnh. Một số dự án, chương trình như mô hình làng chài Vung Viêng nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch; mô hình nuôi cá kết hợp với nuôi trồng rong biển tại huyện Vân Đồn.

Là tỉnh đầu tiên ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCKTĐP) về vật liệu sử dụng làm phao nổi dùng trong NTTS lợ, mặn, Sở NN& PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung cao độ triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện sản xuất, cung ứng và chuyển đổi vật liệu nổi theo QCKTĐP. Bên cạnh đó là xử lý, di dời các trường hợp vi phạm NTTS trái phép, sắp xếp ổn định các vùng nuôi biển tập trung theo quy hoạch, bảo vệ môi trường và tài nguyên biển; triển khai những giải pháp tăng cường thực hiện áp dụng QCKTĐP trong nuôi trồng thủy sản, giảm ô nhiễm môi trường biển.

Trước khi công bố hợp quy, các đơn vị sản xuất phao nhựa nổi theo quy chuẩn phải chứng minh năng lực sản xuất và thử nghiệm phao có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng địa phương đồng thời có cam kết bảo hành phao nổi theo quy định tại QCĐP 08:2020/QN. Tính đến ngày 30/4/2023 trên địa bàn tỉnh có 16 đơn vị sản xuất, cung ứng phao nhựa được công bố hợp quy.

Kết quả chuyển đổi vật liệu nổi trong NTTS tại TP Hạ Long đã đạt 94,6%; huyện Vân Đồng đạt 98,3%; huyện Đầm Hà đạt 86,2%...

Để chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản sang vật liêu nổi theo quy chuẩn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh có ý kiến đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, nghiên cứu, sớm ban hành đồng bộ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi biển. Bên cạnh đó kiến nghị HĐND tỉnh cân đối ngân sách bổ sung nguồn vốn hỗ trợ lãi suất ưu đãi ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai cho vay với những đối tượng chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản bằng các vật liệu bền vững, đảm bảo QCKTĐP, thân thiện với môi trường.

UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện phân cấp, phân quyền cụ thể theo hướng rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho người dân tham gia chương trình vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp với lãi suất ưu đãi.

Huệ Anh