Kế hoạch nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong phòng, chống mua bán người; huy động nguồn lực trong nước, sự ủng hộ, hỗ trợ của các nước, tổ chức quốc tế và các tổ chức có liên quan.
Triển khai thực hiện hiệu quả các đề án trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, lồng ghép các biện pháp phòng, chống mua bán người với nội dung, nhiệm vụ của đề án.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Kịp thời làm rõ và khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm, giảm nguy cơ mua bán người. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về phòng, chống mua bán người. Thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Về mục tiêu cụ thể: Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người được tiếp nhận, phân loại; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi có đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo đúng quy định của pháp luật.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị diễu hành tuyên truyền phòng, chống mua bán người |
Đặc biệt, nâng tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố; 95% số vụ án mua bán người hằng năm được giải quyết và truy tố; 90% số vụ án mua bán người hằng năm được giải quyết, xét xử. Bảo đảm nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật và theo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm. Xây dựng, củng cố, từng bước nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân…
Kế hoạch triển khai một số nhiệm vụ giải pháp: Truyền thông về phòng, chống mua bán người; đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; truy tố và xét xử tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu và bảo vệ nạn nhân; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành và các văn bản hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người…
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2021.
Theo kế hoạch, Quảng Trị sẽ tập trung nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống mua bán người. Qua đó phát hiện, đấu tranh với các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội mới, ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm mua bán người. Kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân và người thân thích của họ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ đẩy mạnh quán triệt và hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó khi gặp nguy cơ và tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm mua bán người.
Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, chú trọng trao đổi, phối hợp trực tiếp để giải quyết từng vấn đề, vụ việc. Đồng thời tích cực nghiên cứu, xây dựng tiến tới ký kết văn bản phối hợp, hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các tỉnh Salavan và Savannakhet nước CHDCND Lào.
Trong năm 2021, Quảng Trị đặt ra chỉ tiêu ít nhất 50% người dân tại các địa bàn trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được tiếp cận thông tin có kiến thức pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người, kỹ năng xử lý các tình huống liên quan đến mua bán người. Trên 85% xã, phường, thị trấn nhận và triển khai tài liệu hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật, tài liệu truyền thông thay đổi hành vi về phòng, chống mua bán người.
100% tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người của tỉnh được cơ quan chức năng áp dụng biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn. Các thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người khi chuyển đến cơ quan có thẩm quyền được phân loại, xử lý. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm được xác minh theo quy định của pháp luật. Các vụ án mua bán người phải được truy tố, xét xử nghiêm minh.
Ngoài ra, Quảng Trị cũng sẽ bảo đảm 100% các trường hợp đã được tiến hành thủ tục xác minh, xác định nạn nhân, được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định. Nạn nhân và người thân thích có nhu cầu sẽ được bảo vệ an toàn.
Bích Thủy