Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị đã có 75/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 74,3%. Trong đó, có 3 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt chuẩn.
Đây là kết quả từ sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và doanh nghiệp, người dân, góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Trị đề ra là phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó có 9 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; không có xã dưới 13 tiêu chí; có ít nhất 40% thôn, bản ở các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần được quan tâm, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Việc huy động cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đỡ đầu cho các xã này là hết sức cần thiết.
Theo ghi nhận, khó khăn nhất của tỉnh Quảng Trị trong xây dựng nông thôn mới đó là sự chênh lệch khoảng cách giữa các vùng miền. Trong đó, toàn tỉnh còn 25 xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa đạt chuẩn nông thôn mới.
Trên địa bàn còn 22 xã đạt dưới 13 tiêu chí của Bộ tiêu chí xã nông thôn mới. Hiện tỉnh chỉ mới có 5/178 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn, chiếm tỷ lệ 2,8%. Thực tế trên cho thấy, việc thực hiện đạt kế hoạch Nghị quyết mà Tỉnh ủy đề ra là một thử thách lớn.
Được biết, từ giữa năm 2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã phân công các sở, ban, ngành và đề nghị doanh nghiệp đỡ đầu cho các xã đặc biệt khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, kết quả đỡ đầu còn tương đối hạn chế. Số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh nhận hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa và Đakrông còn ít.
Trước thực tế ấy, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, qua nắm bắt thông tin từ UBND huyện Hướng Hóa và Đakrông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có văn bản đề nghị gửi đến 25 sở, ban, ngành cấp tỉnh và cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn đề nghị chung sức, hỗ trợ các địa phương còn nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới.
Trong danh sách này có một số sở, ban, ngành cấp tỉnh đã đỡ đầu cho các xã ven biển. Hiện tại, các xã này đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Vì vậy, việc thay đổi đối tượng hỗ trợ sang các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xem là cần thiết.