Bộ Công an đang lấy ý kiến về báo cáo giải trình một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật được Bộ Công an đề xuất là cấm tuyệt đối người lái xe có nồng độ cồn.

Sau bài “Bộ Công an: Cần cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe”, đã có hàng trăm ý kiến của bạn đọc gửi tới VietNamNet với hai luồng ý kiến khác nhau: Đồng tình và đề xuất cần có ngưỡng. 

Phản đối việc cấm tuyệt đối, bạn đọc Thanh Phan cho rằng, đa số các nước không cấm tuyệt đối và “chắc chắn đa số người dân Việt Nam không muốn cấm tuyệt đối nếu được lấy ý kiến.

“Không nên quy định cứng nhắc như thế. Cấm tuyệt đối gây bất tiện cho văn hóa sinh hoạt của người dân”, bạn đọc Thanh Phan viết. 

thoi-nong-do-con.jpg
Ý kiến trái chiều về việc cấm hay đặt ngưỡng nồng độ cồn với lái xe

Trong khi đó, bạn đọc Mr. Lê cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo nên tham khảo các nước phát triển đã áp dụng về xử lý nồng độ cồn. Họ đều có ngưỡng giới hạn (ví dụ ngưỡng 0,05). 

Bạn đọc TKiet cho rằng quyết định phải dựa trên cơ sở khoa học thì mới thuyết phục. Người này kiến nghị các cơ quan chức năng thống kê tỷ lệ tai nạn giao thông do rượu bia những năm gần đây, tỷ lệ người chết do uống rượu bia điều khiển giao thông… từ đó làm căn cứ sẽ thuyết phục hơn.

Một bạn đọc băn khoăn với trường hợp không uống rượu bia vẫn có nồng độ cồn khác 0. “Theo tôi, nên có giới hạn về nồng độ cồn trong hơi thở, trong máu chứ không thể bằng 0 vì nó không thể hiện tính khoa học và sự hài hoà trong cuộc sống”, bạn đọc Hùng viết. 

Bạn đọc Vo Viet Thanh ấy cho hay, theo thống kê, trong tổng số khoảng 204 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới chỉ có khoảng 23 quốc gia cấm tuyệt đối nồng độ cồn (bằng 0) đối với người lái xe (mà không hành nghề lái xe chuyên nghiệp) khi tham gia giao thông.

Trong số đó 14 quốc gia (chủ yếu là các quốc gia Hồi giáo hoặc chiếm đa số là người Hồi giáo vốn tuyệt đối cấm buôn bán và uống rượu) bao gồm Afghanistan, Iran, Maldives, Pakistan, Qatar, Saudi Arabia, UAE, Syria, Yemen, Libya, Kuwait, Comoros, Bangladesh, Indonesia; còn lại là 3 quốc gia Nam Mỹ (Brazil, Uruguay, Paraguay), 4 quốc gia Châu Âu (Hungary, Romania, Slovakia, Czech Republic), Nepal và Việt Nam.

Như vậy, ngoài lý do tôn giáo thì chỉ có 9/190 quốc gia cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông đối với lái xe không chuyên nghiệp, đã có bằng sau 3 năm và trên 20 tuổi.

Mang lại bình yên cho xã hội 

Bày tỏ sự ủng hộ  CSGT xử lý nghiêm đối với người điều khiển giao thông vi phạm nồng độ cồn, bạn đọc Quốc Cường cho rằng, những con số thống kê về tai nạn giao thông do rượu bia đã khẳng định quyết định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe là đúng. 

“Ít nhất là trong thời gian hiện tại. Còn sau này khi thói quen tùy tiện tham gia giao thông khi uống rượu bia không còn thì có thể xem xét lại. Cụ thể đến khi nào người dân 100% chấp hành nghiêm thì sửa luật”, ông Cường nói.

Ông Phạm Văn Vĩnh cũng cho rằng, có người uống nửa chén đã say nhưng có người cả lít mới say vậy giới hạn ở mức nào cho tất cả mọi người mới là phù hợp? Do đó, tốt nhất là cấm triệt để: Uống rượu bia thì không lái xe.

Tương tự, một bạn đọc khác lấy dẫn chứng của bản thân sau khi uống rượu bia chạy xe với vận tốc 80km/h vẫn thấy chậm. Điều này rất nguy hiểm cho bản thân và người khác. Do đó, dù nhiều ý kiến phản đối nhưng bạn đọc này nhận thấy lợi ích lớn hơn của việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn. Việc cấm này sẽ mang lại bình yên cho xã hội cũng như cho chính những người lái xe. "Trước đây chúng ta cấm pháo nổ cũng gặp phải sự phản đối nhưng đến nay lợi ích mang lại cho xã hội đã được chứng minh rõ ràng", bạn đọc chia sẻ.