- "Quy trình xả lũ do chính thủy điện đề ra! Nói xả lũ đúng quy trình? Nó chỉ đúng với chủ hồ, nhưng nó không đúng với cuộc sống người dân..." - GĐ Sở NN&PTNN Quảng Nam ví von.
Những con số giật mình
Trong báo cáo xả lũ của 3 hồ chứa thủy điện nằm trên đầu nguồn sông Vu Gia (Quảng Nam), chỉ trong ngày 15/11, bắt đầu lần lượt từ 7 giờ sáng, Đắk Mi 4 xả lũ trong 42 giờ với lưu lượng xả lớn nhất 3.900 m3/s.
Đến 13 giờ cùng ngày, hồ chứa thủy điện Sông Côn 2 xả 578 m3/s và đến 16 giờ cùng ngày hồ chứa A Vương tiếp tục xả với lưu lượng 898 m3/s.
Thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ ngày 15 và 16-11 |
Tổng lượng nước xả của 3 hồ chứa này theo tính toán lên đến 272,19 triệu m3 nước chỉ trong hơn 1 ngày đổ xuống vùng hạ lưu.
Trong khi đó, hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 nằm đầu nguồn sông Thu Bồn, lúc 11 giờ trưa hôm 15/11 đã xả với lưu lượng 3.622 m3/s và xả liên tục trong 38 giờ đồng hồ với tổng lưu lượng xả lên đến 362,24 triệu m3 nước.
Đây là những con số giật mình.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bảo rằng, qua theo dõi qui trình xả lũ, các nhà máy đã phối hợp tốt với Ban phòng chống lụt bão tỉnh và các địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Quang, do dự báo lượng nước đến các hồ chứa thủy điện chưa kịp thời nên trước thời điểm xảy ra lũ, các hồ này chưa thực hiện tốt việc điều tiết để hạ mực nước hồ xuống cao trình đón lũ.
Tại thủy điện Đắk Mi 4, bắt đầu xả lũ lúc 18 giờ 13/11 với lưu lượng nhỏ. Đến 7 giờ sáng ngày 15/11, mực nước hồ chứa là 256,29 m, cao hơn cao trình mực nước đón lũ là 1,29 m.
Còn tại hồ chứa A Vương, mực nước lúc 7 giờ sáng 15/11 là 379,2 m, cao hơn cao trình mực nước đón lũ là 3,20 m.
Đây phải chăng là nguyên nhân gây lũ dữ ở vùng Đại Lộc hôm 15-16/11 vừa qua và liệu việc tích nước và xả lũ như vậy liệu có đúng qui trình?
Quy trình của ai?
Tại Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam lần thứ 17, khóa XX mới đây, nhiều đại biểu đã lên tiếng về quy trình xả lũ của các hồ chứa thủy điện và mổ xẻ, tìm nguyên nhân gây ra lũ dữ.
Thủy điện A Vương xả lũ hôm 16/11 |
Ông Nguyễn Văn Ngũ - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc đã thẳng thắng nhìn nhận: Hồ chứa thủy điện xả lũ đúng qui trình. Nhưng chỉ là đúng qui trình với chính chủ hồ thủy điện. Còn thực tế lũ dữ lên nhanh bất thường và trái với qui luật tự nhiên hàng trăm năm nay ở vùng rốn lũ này thì nên nghiêm túc xem lại!
Ông Ngũ cho biết, đợt lũ vừa qua, Đại Lộc bị thiệt hại khoảng 54 tỷ đồng. Nhân dân địa phương cho rằng tình hình lũ lụt phức tạp là do thủy điện xả lũ.
Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa thể đánh giá tác động và chỉ ghi nhận một số hiện tượng như nước lũ lên nhanh, dòng nước chảy xiết, xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới và lũ lụt không theo quy luật hàng trăm năm nay, ngập lụt cục bộ...
Còn ông Lê Văn Lai - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho rằng, từ thực tế lũ lụt diễn ra trong thời gian vừa qua ở các huyện dọc sông Vu Gia - Thu Bồn, có thể đưa ra nhận định quy trình xả lũ của thủy điện là sai với thực tế!
“Tôi không đồng ý với quy trình xả lũ như vừa rồi. Tôi đề nghị sửa lại chỉ tiêu số 8 (chỉ tiêu về môi trường trong Nghị quyết năm 2014) là tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường và gây thiệt hại nghiêm trọng được xử lý 100% kể cả thủy lợi, thủy điện vì nó đã gây tác động quá lớn.
Cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng để đánh giá lại quy trình xã lũ nhằm giải quyết dứt điểm, căn cơ các hệ lụy đã xảy ra cho người dân, môi trường” - ông Lai gay gắt.
Ví von, GĐ Sở NN&PTNN Quảng Nam, ông Nguyễn Thanh Quang cho rằng: “Thủy điện không gây ra lũ lụt, thiên tai tạo ra nước. Nhưng chính thủy điện tiếp sức gây ra lũ lụt! Quy trình xả lũ do chính thủy điện đề ra! Nói xả lũ đúng quy trình? Nó chỉ đúng với chủ hồ, nhưng nó không đúng với cuộc sống người dân! Tôi khẩn thiết kính đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan chức năng chỉ đạo các hồ nghiêm túc thực hiện việc xả lũ, chỉ được tích nước sau ngày 30/11".
Không lũ quét mới lạ!
Trong đợt mưa lũ vừa qua, Đại Lộc (Quảng Nam) là một trong những địa phương thiệt hại nặng nề. Sau khi lũ qua, tiếp xúc với chúng tôi, người dân vẫn rất bức xúc với lý do 'xả lũ đúng quy trình' của các thủy điện.
Trận lũ lịch sử trái mùa hôm 16/11 gây ngập cả khu đô thị cổ Hội An, lần đầu tiên nước lũ gây ngập Chùa Cầu. |
Cụ Nguyễn Văn Minh, nhà ở xã Đại Cường, huyện Đại Lộc nói: "Mấy ông thủy điện nói xả lũ đúng qui trình. Nhưng bà con tui ở vùng rốn lũ ni biết chi mấy cái qui trình của các ông! Hồi chưa có thủy điện, mỗi khi trên nguồn mưa lớn là lũ về. Nhưng lũ không tàn khốc và gây thiệt hại lớn như bây giờ".
Theo cụ Minh, 'bà con tui ở đây ít học có biết chi mấy cái qui trình của ông thủy điện'. Chỉ biết rằng ở trên nguồn vách núi dựng đứng, độ dốc cao, nhiều nhánh sông đổ về sông Vu Gia.
Nhiều cụ già ở Đại Lộc cũng bảo, trước khi có thủy điện, mỗi khi có mưa là nước lũ đổ về cũng gây ngập, nhưng không có lũ quét.
Còn bây giờ, 'mấy ổng' ngăn sông xây đập tích nước. Đến khi hồ chứa đầy, 'mấy ổng' tháo tràn xả nước ngay trên đầu, có độ dốc cao như vậy sao không sinh ra lũ quét được!
Vũ Trung