Ngân hàng TMCP Quân đội - MBBank (MBB) vừa công bố kết quả hoạt động quý đầu năm 2021 với lợi nhuận hợp nhất đạ trên 4.570 tỷ đồng, cao gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ 2020. Đây là quý cho kết quả kinh doanh theo quý tốt nhất từ trước tới nay của ngân hàng này.
Tỷ lệ nợ xấu tại MBBank cũng giảm mạnh từ xuống 1,14% so với mức 1,46% cùng kỳ. Đặc biệt, lượng khách hàng mới đăng ký qua ngân hàng số đạt 1 triệu người dùng, bằng xấp xỉ 60% user mới của cả năm 2020.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục duy trì vị trí số 1 về lợi nhuận trong ngành với lãi trong quý 1 ước tính đạt 7.000 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ và bằng 28% chỉ tiêu đặt ra cho cả năm (25.200 tỷ).
Theo lãnh đạo Vietcombank, ngân hàng này còn rất nhiều "gạo", sẽ khó thoát cảnh "cô đơn trên đỉnh lợi nhuận" thêm thời gian dài nữa. Trong năm 2020, Vietcombank đứng đầu ngành ngân hàng với lợi nhuận 1 tỷ USD, tỷ lệ nợ xấu 0,65%.
Đây là những tín hiệu đầu tiên cho thấy các ngân hàng sẽ có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2020. Sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế tác động tích cực đến ngân hàng.
Với nhiều ngân hàng đã trích lập dự phòng nợ xấu tốt như Vietcombank, Vietinbank, MBBank… thì lợi nhuận cao trong 2020 là điều nhiều nhà đầu tư nghĩ tới.
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng khác cũng có thể ghi nhận một năm 2021 bất chấp tác động nợ xấu hình thành trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Một chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành có thể giúp các ngân hàng giải quyết vấn đề này.
Theo đó, NHNN vừa ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01 cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi...
Ngân hàng báo lãi lớn. |
Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi... nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của NHNN về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1/2020 đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 thuộc diện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và điều chỉnh nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 29/3/2020.
TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/1/2020 đến trước ngày 10/6/2020 theo quy định của Thông tư.
Đối với số dư nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu lại, TCTD không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD.
Đối với số dư nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ bị quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại mà không được TCTD tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này, TCTD phải thực hiện phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD.
Đối với số lãi phải thu của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) theo quy định tại Thông tư này, kể từ ngày được cơ cấu lại, TCTD không hạch toán thu nhập (dự thu) mà theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với TCTD.
Kể từ ngày 1/1/2024, TCTD căn cứ quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD để phân loại đối với toàn bộ dư nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng, bao gồm cả số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư.
Với chính sách mới, các ngân hàng sẽ có thời gian để xử lý nợ xấu phát sinh trong giai đoạn khó khăn do Covid-19. Việc này sẽ giảm áp lực cho các ngân hàng, giúp các đơn vị thuận lợi trong việc đảm bảo lợi nhuận tốt 2021.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index tiếp tục tăng lên ngưỡng 1.240 điểm.
Theo BVSC, thị trường dự báo sẽ có diễn biến giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong phiên kế tiếp. VN-Index có thể điều chỉnh về vùng 1.125-1.130 điểm trước khi quay lại thử thách vùng kháng cự 1.250-1.265 điểm. Dòng tiền nội tiếp tục là động lực chính hỗ trợ cho diễn biến thị trường trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, hoạt động mua ròng trở lại của khối ngoại cũng thúc đẩy tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trên thị trường, qua đó gia tăng thêm sức cầu vào thị trường. Dòng cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu dẫn dắt sẽ tiếp tục có diễn biến tăng điểm để hỗ trợ thị trường đi lên trong giai đoạn này.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/4, chỉ số VN-Index tăng 11,6 điểm lên 1.236,05 điểm; HNX-Index giảm 3,65 điểm xuống 291,24 điểm. Upcom-Index tăng 0,57 điểm lên 82,84 điểm. Thanh khoản đạt 20,4 nghìn tỷ đồng.
V. Hà