Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng giải thích, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu, ý kiến của các cơ quan có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng: luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 

Còn đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước (các doanh nghiệp tư nhân) thì thực hiện theo các quy định chung tại luật này; đồng thời dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc.

Đó là một quyết định rất sáng suốt, làm nức lòng doanh nghiệp tư nhân.

Luật này sẽ yêu cầu tất cả các doanh nghiệp, cả quốc doanh, FDI và tư nhân, có từ 10 lao động trở lên phải lập Ban Thanh tra nhân dân, gồm ít nhất 3 người lao động. Người ta tính toán, sẽ có khoảng 200.000 Ban Thanh tra với ít nhất 600.000 người lao động làm công tác thanh tra.

Nếu được thành lập, Ban Thanh tra sẽ hoạt động song song với Công đoàn, có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc doanh nghiệp chấp hành pháp luật, không chỉ ở lĩnh vực liên quan đến lao động việc làm, mà là tất cả các lĩnh vực khác.

Để làm việc đó, Ban Thanh tra này có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin về việc doanh nghiệp chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; có quyền tố cáo doanh nghiệp vi phạm pháp luật.

Giả sử một kế toán trưởng được bầu vào Ban Thanh tra thì ông ấy sẽ giám sát việc công ty đó chấp hành pháp luật thuế như thế nào? Nếu có chuyện trốn thuế, lách thuế thì ông ấy sẽ tố cáo doanh nghiệp đó như thế nào?

Việc không thông qua quy định, như dự thảo đề xuất, thể hiện tinh thần lắng nghe, cầu thị của các đại biểu vì không thể tăng gánh nặng tuân thủ cho các chủ doanh nghiệp, và tất nhiên, cho người làm công ăn lương.

Nguyễn Minh Đức