Tại Hội nghị giao ban quý 2/2024 giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến diễn ra chiều 28/6, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Nguyễn Xuân Đại đã có báo cáo về công tác chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai trên địa bàn.

Theo đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thủy văn năm 2024 có thể diễn biến phức tạp khó lường. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2024, UBND TP, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt tới các cấp, ngành nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động rà soát, xây dựng, hoàn thiện các chương trình, phương án, kế hoạch phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và TKCN phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đơn vị; sẵn sàng với các tình huống có thể xảy ra.

W-de huu hong B.Khanh.jpg
Toàn cảnh đoạn đê hữu Hồng từ chợ hoa Quảng Bá đến ngõ 464 Âu Cơ (Tây Hồ). Ảnh: Bảo Khánh

Trong những phương án triển khai công tác phòng chống thiên tai, nội dung về đê điều được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm, nhấn mạnh. Cơ quan chức năng cho biết, TP Hà Nội hiện có tổng số hơn 626km đê được phân cấp; 43 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài gần 145km chưa được phân cấp. Công tác kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, bờ bãi sông được thực hiện thường xuyên, các sự cố, hư hỏng công trình đê điều được phát hiện, báo cáo, đề xuất xử lý kịp thời. Hiện nay, trên địa bàn có 5 trọng điểm xung yếu cấp thành phố.

Trước đó, trong tuần đầu tháng 6, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hưng Yên cũng tổ chức hội nghị triển khai phương án phòng, chống úng, lụt, bão và phương án bảo vệ các trọng điểm năm 2024 của các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh.

Trong đó có nội dung, các địa phương có tuyến đê tả sông Hồng, sông Luộc như: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên rà soát các trọng điểm xung yếu, lưu ý công trình đang thi công dở dang, các cống xung yếu, cống mới xây dựng chưa qua thử thách, cống lớn qua đê; hoàn thiện, phê duyệt các phương án bảo vệ trọng điểm, trong đó xác định tình huống giả định sát thực tế, hợp lý và cần xác định cụ thể khối lượng, phương án huy động vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhân lực, đường vận chuyển, thời gian tập kết… Xây dựng phương án bảo vệ đê bối khi có lũ. 

Để chủ động đối phó với thiên tai bất thường có thể xảy ra trong năm 2024, tỉnh Bắc Ninh thực hiện phương châm "hành động sớm - chủ động trước thiên tai" nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. 

Căn cứ hiện trạng công trình trước lũ năm 2024, tỉnh Bắc Ninh xác định 15 trọng điểm chính; trong đó có 6 trọng điểm cấp tỉnh và 9 trọng điểm cấp huyện. Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bắc Ninh, tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2024 là giữ vững hệ thống đê sông chính gồm các tuyến: tả, hữu sông Đuống; hữu sông Cầu; hữu sông Thái Bình; hữu sông Cà Lồ với mức lũ thiết kế. Khi có lũ vượt mức thiết kế, tỉnh tập trung mọi nguồn lực cao nhất để hộ đê, đồng thời triển khai các phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước, của nhân dân, hạn chế thấp nhất những thiệt hại.

Thách thức lớn về hệ thống đê điều

Thời gian qua, mưa lớn bất thường gây lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất tại nhiều tỉnh miền Bắc gây thiệt hại về người và tài sản. Dự báo, mùa mưa lũ năm nay nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Nhận định về hệ thống đê điều, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT cho biết, nhiều năm qua, hệ thống đê điều ở các tỉnh, thành phố miền Bắc ít chịu tác động bởi mưa lũ lớn, đây là thách thức rất lớn. 

Theo ông Luận, trong hơn 20 năm qua, từ năm 2002, hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình chưa có lũ lớn nên dễ khiến người dân cùng các cấp chính quyền một số địa phương nảy sinh tâm lý chủ quan. 

an toan de dieu bac ninh 1852024.jpg
Kè Hoài Thượng (Thuận Thành) được đầu tư nâng cấp đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống lũ. Ảnh: baobacninh.com.vn

Đồng thời, ông Luận đánh giá, tình trạng lấn chiếm bãi sông, lòng sông tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn đê điều. Các cống dưới đê phần lớn được xây dựng từ 70, 80 năm, thậm chí hàng trăm năm trước, không có lũ, không qua thử thách. 

“Đây là vấn đề lớn và chúng tôi nhận thức rất rõ. Chúng tôi đã đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát hệ thống đánh giá đê điều, cống dưới đê trước mỗi mùa mưa bão để có các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm yêu cầu phòng, chống lũ”, ông Luận nhấn mạnh.

Ông Luận cũng nhìn nhận, hệ thống đê lâu năm không qua thử thách cũng khó có thể đánh giá chính xác sẽ bảo đảm an toàn 100%. Thủy điện thường muốn tích nước để phát điện, phát triển kinh tế; khi có lũ lớn, phải xả nước để bảo vệ công trình thì bị cản trở thoát lũ dưới hạ lưu do tình trạng lấn chiếm lòng sông, bãi sông. 

Theo ông Luận, đối với công việc này, sức ép là cực kỳ lớn. Ở các nước trên thế giới, công tác PCTT theo xu hướng “hành động không hối tiếc”- nghĩa là có những hành động để bảo đảm việc PCTT đạt hiệu quả cao nhất, tốt nhất để không phải hối tiếc. Vì vậy, lòng sông, bãi sông, mặt sông cần thông thoáng, hạn chế sử dụng vào mục đích khác để tạo không gian cho thoát lũ. 

Đồng bằng sông Hồng với khoảng 21-23 triệu dân hiện được các tuyến đê này bảo vệ. Vỡ một chỗ có thể ảnh hưởng đến nhiều địa phương, xảy ra vỡ đê thì nguy cơ gây thảm họa. Do đó, việc bảo vệ tính mạng của người dân là vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, ông Luận cũng thông tin, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTT có quy định các địa phương phải lồng ghép PCTT vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.