Theo báo cáo của các tổ chức uy tín trên thế giới, nếu quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ sẽ giúp các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, tăng năng suất lao động lên từ 30 đến 40%, góp 20 – 30% trong tăng trưởng GDP, tránh được bẫy thu nhập trung bình (Ảnh minh họa: Internet) |
Cũng trong phát biểu kết luận tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2019 được Bộ TT&TT tổ chức ngày 4/4 vừa qua, thông tin từ mic.gov.vn cho hay, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số quốc gia là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế, chuyển đổi toàn bộ doanh nghiệp, chuyển đổi toàn bộ xã hội sang xã hội số. Đây là một chiến lược nhiều chức năng, nhưng quan trọng nhất là ngoài việc tạo ra nguồn tăng trưởng của đất nước, nó còn giúp tăng năng suất lao động và làm thay đổi cơ cấu việc làm, tạo ra nhiều giá trị xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Cục Tin học hóa ngay trong tháng 4 này trình Lãnh đạo Bộ dự thảo 2 của Đề án Chuyển đổi số quốc gia để xin ý kiến các đơn vị ngoài Bộ TT&TT nhằm kịp ra mắt trong tháng 8/2019.
Tại hội nghị giao ban, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã chỉ rõ, hiện nay vẫn còn tồn đọng một số lĩnh vực quản lý nhà nước chưa có thông tin tổng thể để báo cáo Thủ tướng như vấn đề Quản trị dữ liệu (Data Governance). Nhấn mạnh Quản trị dữ liệu là một vấn đề rất quan trọng của chuyển đổi số trong nền kinh tế số hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương xem xét và góp ý; đồng thời lồng ghép vấn đề này trong Đề án Chuyển đổi số quốc gia.
Nhận định chuyển đổi số, kinh tế số, kỷ nguyên số là xu thế toàn cầu không thể đào ngược và cũng là cơ hội cho Việt Nam hiện thực hoá khát vọng hùng cường, tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ TT&TT hồi tháng 9/2018, Bộ đã đề xuất và được Thủ tướng đồng ý giao Bộ chủ trì xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia. Cục Tin học hóa là đơn vị được Bộ TT&TT phân công trực tiếp nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án này.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 14/3 về tiến độ xây dựng dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia, Cục Tin học hóa cho biết dự thảo đầu tiên của Đề án đã được cơ quan này cơ bản hoàn thành. Được xây dựng dựa trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo chiến lược, chương trình, kế hoạch liên quan đến chuyển đổi số của các nước như Thái Lan, Hà Lan…, tiếp thu có chỉnh sửa, bổ sung các nội dung để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế Việt Nam, dự thảo 1 của Đề án Chuyển đối số quốc gia bám sát theo các nội dung chính về: Bối cảnh/ sự cần thiết; Tầm nhìn, mục tiêu; Quan điểm chỉ đạo; Nhiệm vụ, giải pháp, đo lường kết quả; Kế hoạch hành động.
Cũng tại cuộc họp này, chia sẻ về những nội dung chính của dự thảo 1 của Đề án Chuyển đổi số quốc gia, đại diện Cục Tin học hóa nhấn mạnh quan điểm: Chuyển đổi số là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại, thịnh vượng, là động lực quan trọng nhất cho sự tăng trưởng, phải đi trước trong chuyển đổi số. Trong quá trình xây dựng các chiến lược, chính sách phát triển của các ngành và lĩnh vực, nhất thiết phải nghiên cứu và vận dụng tối đa các lợi ích từ những công nghệ số tiên tiến, cần quan tâm áp dụng các giải pháp dựa trên dữ liệu thời gian thực. Đồng thời, phải đảm bảo để chuyển đổi số có tác động bình đẳng và có lợi ích cho tất cả các đối tượng khác nhau.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có thái độ tích cực về công nghệ, về sự sáng tạo, chấp nhận những công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn phát triển ban đầu. Các cơ quan quản lý nhà nước phải tìm cách để liên tục thích ứng với môi trường mới đang biến đổi nhanh chóng, bằng cách tự thay đổi chính mình.
Cục Tin học hóa cũng đề xuất tầm nhìn của chuyển đổi số Việt Nam đến năm 2030 là “Thực hiện chuyển đổi số để hướng tới một Việt Nam số. Trong đó, tận dụng đầy đủ tiến bộ, sáng tạo của công nghệ số để phát triển kinh tế xã hội đất nước ổn định, thịnh vượng và bền vững”.
Quá trình chuyển đổi số quốc gia, theo đề xuất của Cục Tin học hóa, sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn từ nay đến hết năm 2020 sẽ tập trung số hóa nền kinh tế, bên cạnh việc xây dựng nền tảng, hoàn thiện pháp lý, đào tạo nhân lực, Cục Tin học hóa đề xuất sẽ khởi động các nhiệm vụ ưu tiên, số hóa một số thành phần kinh tế để hướng tới đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, ngành công nghiệp. Từ đó, đẩy nhanh chuyển đổi số của Chính phủ, trong doanh nghiệp và xã hội nhằm tăng hiệu quả hoạt động, tăng năng suất lao động, tạo ra các nguồn tăng trưởng mới.
Với giai đoạn từ năm 2021 đến 2025, sẽ tập trung để đưa kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Những việc chính cần làm trong gian đoạn này là dịch chuyển các doanh nghiệp lên nền tảng số/các hệ sinh thái số, chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực KTXH, thúc đẩy các hệ sinh thái tích hợp mới hội tụ quanh các nhu cầu khách hàng. Tiếp đó, từ năm 2026 đến hết 2030, Việt Nam sẽ hướng tới một nền kinh tế - xã hội số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.