Thi thoảng, tôi và bạn bè ra đó ăn uống dịp cuối tuần. Chủ quán quả là không may mắn suốt mấy năm qua vì nhiều lí do như bị phong tỏa Covid, người điều khiển phương tiện giao thông không được uống rượu bia với nồng độ cồn bằng không. Lần cuối cùng ăn ở quán, tôi thấy chỉ có mỗi nhóm mình; còn chủ quán và nhân viên ngồi ngáp ngắn, ngáp dài.

Tôi hay hỏi chuyện nhân viên ở quán đó và được biết, các cháu sinh viên học ở các trường lân cận, tranh thủ làm thêm. Nếu không có việc làm thì việc học hành, sinh hoạt ở Thủ đô cực kỳ khó khăn vì bố mẹ các cháu đều là nông dân, thu nhập ít ỏi, không thể chu cấp toàn bộ.

Quán đó đóng cửa, cả chủ quán lẫn nhân viên đều thất nghiệp. Tôi cứ nhớ mãi câu của chị chủ quán hôm nào: “Anh xem, nào Covid, nào thổi nồng độ cồn thì làm sao chúng tôi trụ được”.

Quán nho nhỏ đó phản ánh khó khăn chung của cả ngành dịch vụ ăn uống mà quy trình hoạt động từ “đồng ruộng” cho đến “bàn ăn”. Cụ thể, chuỗi giá trị đó bắt đầu từ nông dân ở khâu chăn nuôi, trồng trọt đến những người giao hàng rồi đến các chủ quán và nhân viên bán hàng.

Dinh Hieu.jpg
Bộ Công an đề xuất hạ thấp mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở. Ảnh minh hoạ: Đình Hiếu

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm tới 12,3%, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong ngành giảm 8,4% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước.

Khảo sát với hơn 30.000 doanh nghiệp trong nửa đầu năm nay của Tổng cục Thống kê cho biết thêm, có tới gần 56% doanh nghiệp lưu trú, ăn uống và lữ hành gặp khó khăn vì lý do “nhu cầu thị trường trong nước thấp”.

Thực tế này có lẽ làm Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phải thốt lên ở diễn đàn Quốc hội gần đây: “Đi trên đường các cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa rất nhiều. Doanh nghiệp khó khăn đồng nghĩa là lao động và người dân cũng khó khăn và nợ xấu cũng bắt đầu tăng cao”.

Nói xa, nói gần như vậy để đề cập một vấn đề quan trọng: Tôi ủng hộ các nhà làm chính sách ở Bộ Công an với một số đề xuất trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trong đó có đề xuất hạ thấp mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở.

Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu theo đề xuất trên là nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với Nghị định 100 hiện hành với các chế tài phạt tiền với hành vi trên là từ 6 - 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10 - 12 tháng.

Phải nói rằng, chế tài tại Nghị định 100 như vậy cực kỳ khắt khe, có tác động đến việc sử dụng rượu bia và phần nào đã ảnh hưởng đến nhà hàng, quán ăn, các chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm. 

Chợt nhớ đến phát biểu của Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) khi thảo luận về dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, rằng trên thế giới chỉ có 23 quốc gia quy định nồng độ cồn trong hơi thở bằng 0 khi tham gia giao thông và phần lớn trong số đó các quốc gia các quốc gia Hồi giáo.

Lẽ nào chế tài chúng ta áp dụng lại thuộc về số ít trên thế giới này?

Thực tiễn cuộc sống vô cùng phong phú, đa dạng và chuyện quản lý nồng độ cồn cũng vậy. Chỉ một vài câu chữ, con số trên giấy nhưng tác động của nó đến mọi mặt đời sống, xã hội vô cùng sâu sắc.

Cũng trong dòng tư duy đó, tôi cũng mong muốn Bộ Công thương xem lại cách quản lý nhà nước với thuốc lá điện tử. Nó vẫn tồn tại trên thực tế, người ta muốn mua thì mua được ngay, nhưng nó lại bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Kết quả là vừa không có chế tài quản lý, vừa thất thu ngân sách mà thuốc lá điện tử vẫn nhan nhản ngoài vỉa hè. Sau rất nhiều bài học, không nên tiếp cận theo cách “không quản được thì cấm”.

Trước đây, chúng ta từng thực hành sát sao chính sách “Zero Covid” với “truy vết, khoanh vùng”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”... mà ai đó nói khác đi là không được chấp nhận.

Nhưng rồi thực tiễn cuộc sống cho thấy, chúng ta không thể tồn tại trên nền tảng “Zero” đó vì có gì là “Zero” đâu (có chăng chỉ trong phòng thí nghiệm) rồi cuối cùng, Thủ tướng đã đồng ý ban hành Chỉ thị 181 về sống chung an toàn với Covid.

Đến nay chắc hẳn, chẳng còn mấy ai nhớ đến Covid dù hệ lụy của nó còn kéo dài đến ngày nay, như quán ăn tôi kể đã phải đóng cửa.

Dù vậy, tôi muốn nhắc lại một thông điệp: Đã lái xe thì không uống rượu bia; đã không hút thuốc lá thì đừng hút.

Vì nó giúp bạn và gia đình bạn an toàn.