Theo CBS, 3 tháng sau khi giá của đồng Rúp giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử: 120 Rúp/1 USD và 130 Rúp/1 Euro, đồng tiền của Nga đã trở lại mạnh mẽ.

"Thông thường, một quốc gia có liên quan tới xung đột sẽ xuất hiện tình trạng tháo chạy của các nhà đầu tư và dòng tiền, khiến cho đơn vị tiền tệ mất giá. Nhưng dường như các biện pháp giữ cho dòng tiền không thất thoát và giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao đang tạo ra nhu cầu lớn với đồng Rúp, đẩy giá trị nó lên", Giáo sư Jeffrey Frankel - Giảng viên Đại học Harvard cho biết.

Ngoài ra, Giáo sư Frankel cũng nhận xét, sự phục hồi ngoạn mục của đồng Rúp đang cho thấy sự thiếu hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây. 

Đồng Rúp Nga tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh: CBS

Lý giải cho sự phục hồi đáng ngạc nhiên của đồng Rúp Nga, Giáo sư Tatiana Orlova - chuyên gia kinh tế Đại học Oxford cho rằng, các biện pháp mà Ngân hàng Trung ương Nga và Chính phủ Nga triển khai đã đạt được kết quả ngoài mong đợi.

Cụ thể, đồng Rúp mạnh lên phần lớn dựa vào việc xuất khẩu và nhập khẩu, việc áp dụng cơ chế thanh toán khí đốt dựa trên đồng Rúp giúp đồng tiền ổn định, tăng cung tiền tệ trên thị trường và thúc đẩy nhu cầu. Ngoài ra, như một phần của biện pháp kiểm soát vốn của Ngân hàng Trung ương, công dân Nga không được phép mua Euro, USD và các loại tiền tệ châu Âu khác theo tỉ giá hối đoái chính thức cho đến ngày 9/9.

"Giá cả nhiên liệu thế giới đang ở mức cao kỷ lục, khiến Nga đạt được lợi nhuận khổng lồ ngay cả khi sản lượng xuất khẩu giảm vì lệnh cấm vận. Ngoài ra, các công ty phương Tây thông báo sẽ rời khỏi Nga, nhưng thực tế là họ chỉ chuyển giao cổ phần cho đối tác địa phương, nghĩa là dòng tiền vẫn ở lại đây. Trong khi đó, các doanh nghiệp Nga được yêu cầu chuyển một nửa lợi nhuận thặng dư thành đồng Rúp, nhằm thúc đẩy nhu cầu về tiền tệ. Tất cả các yếu tố này đã đẩy giá đồng Rúp lên mức kỷ lục, trở thành đồng tiền hiệu quả nhất trong nửa đầu năm nay", Giáo sư Orlova cho biết.

Hiện tại, Moscow đang thu về gần 20 tỷ USD mỗi tháng từ việc xuất khẩu năng lượng. Việc các khách hàng nước ngoài dần chấp nhận việc thanh toán bằng Rúp theo yêu cầu của Chính phủ Nga đang giúp giá trị đồng tiền này liên tục lập đỉnh.

Việt Dũng