Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Tờ trình về việc ban hành Nghị định quy định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Theo cơ quan hải quan, số lượng giao dịch thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh và vào các dịp lễ, các dịp giảm giá.

Tuy chưa có số liệu đầy đủ, thống kê của cơ quan hải quan cho thấy, lượng hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử làm thủ tục thông quan tại Chi cục hải quan chuyển phát nhanh, thuộc Cục Hải quan TP. Hà Nội, có kim ngạch ước đạt hơn 1 tỷ USD; trong đó tháng 6 là 426 triệu USD, tăng 5 lần so với tháng 1 là 85 triệu USD.

{keywords}
Giao dịch qua thương mại điện tử là xu hướng không thể cưỡng lại.

Số liệu nhập khẩu của một công ty tại Hà Nội chuyên làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa của sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada từ Trung Quốc (là đại lý của các sàn này tại Việt Nam) cho thấy lượng hàng nhập là rất lớn.

Năm 2020, kim ngạch nhập khẩu là hơn 551 triệu USD, trong đó quý I là 1,3 triệu USD; quý II là gần 31 triệu USD, quý III là hơn 249 triệu USD, quý IV là hơn 269 triệu USD.

Năm 2021, kim ngạch quý I là gần 70 triệu USD, tăng hơn 50 lần so với cùng kỳ 2020. Quý II là hơn 49 triệu USD, tăng hơn 1,6 lần so với cùng kỳ 2020.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, cơ quan quản lý nhà nước chưa có một cơ chế riêng về quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử. Cho nên, khi thực hiện các thủ tục hải quan, thủ tục liên quan đến lĩnh vực quản lý của các bộ ngành, người mua hàng qua thương mại điện tử tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc nhận hàng hóa được mua từ nước ngoài.

Do đó, hình thành nên một bộ phận mua hộ hàng hóa trên website và vận chuyển số hàng hóa này về Việt Nam theo các con đường không chính thống, đặc biệt là qua biên giới đường bộ, gây khó khăn trong công tác đấu tranh đối với hành vi gian lận thương mại.

Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải có những quy định để kiểm soát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử nhưng vẫn đảm bảo thuận lợi để người mua, người bán tuân thủ thực hiện đúng quy định.

{keywords}
Một số quy định về thực hiện thủ tục hải quan với hàng hóa xuất nhâp khẩu thông qua giao dịch thương mại điện tử.

Ngoài các đối tượng tương tự như các trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thông thường, dự thảo Nghị định quy định thêm các đối tượng là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng. Ví dụ như Amazon ở Mỹ, Alibaba ở Trung Quốc.

Dự thảo không quy định trường hợp giao dịch hàng hóa qua nền tảng thương mại điện tử khác như Facebook, Zalo,...  Bởi, các hoạt động thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc website thương mại điện tử bán hàng đảm bảo đầy đủ các yếu tố, thông tin để hải quan áp dụng chính sách chế độ đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử.

Dự thảo cũng quy định trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu. Đó là hàng hóa có trị giá theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống; hàng hóa nhập khẩu trên 1 triệu đồng nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 100.000 đồng. Mỗi tổ chức cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu này không quá 1 đơn hàng/ngày và không quá 4 đơn hàng/tháng.

Quy định như trên nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách miễn thuế để chia, tách hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế.

Lương Bằng

Nỗi lo bị 'sập bẫy' khi mua sắm online

Nỗi lo bị 'sập bẫy' khi mua sắm online

Cách thức mua sắm trực tuyến khá đa dạng nhưng hình thức mua sắm này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tiêu dùng vì không thể nhìn trực tiếp sản phẩm để đánh giá về hình dáng, màu sắc và chất lượng của sản phẩm.