Tình trạng “bằng mặt nhưng không bằng lòng” phổ biến trong công sở |
Với tư cách là người quản lý, bạn không được “nhắm mắt cho qua” và để căng thẳng leo thang, khi đó, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn và ảnh hưởng đến công việc của cả nhóm. Bất đồng càng kéo dài càng khó giải quyết. Nếu không có cách xử lý phù hợp, bạn sẽ mất 1 trong 2 nhân sự mà bạn đã mất công tuyển dụng, đào tạo hoặc phải điều chuyển họ khỏi vị trí đáng ra họ phù hợp để làm. Ngược lại, khi giải pháp sớm được đưa ra, 2 thành viên càng sớm có cơ hội xử lý mâu thuẫn, đồng thời giúp cả nhóm, bộ phận đó hoàn thành công việc tốt hơn.
Để giải quyết bất đồng giữa 2 người trong nhóm, bạn cần tìm ra gốc rễ vấn đề. Để làm được điều này, người quản lý phải tham gia trực tiếp vào công việc hằng ngày của nhóm, theo dõi sát sao nhiệm vụ của từng người. Khi thấy manh mối về “thủ phạm” gây mâu thuẫn, người sếp cần “đào sâu” hơn để tìm hiểu nguyên nhân thực sự là gì.
Tìm nguyên nhân gây xung đột
Có nhiều lý do phổ biến khiến các nhân viên không ưa nhau như: một người không hoàn thành nhiệm vụ của mình; một người nói xấu sau lưng người khác; nhân viên biết về cơ chế lương không công bằng; ghen tị, định kiến; tính cách đối lập; công việc quá căng thẳng; sếp ưu ái người này hơn người khác; chức danh công việc không tương xứng…
Khi đã xác định được vấn đề nằm ở đâu, bạn có thể giải quyết bằng cách nói chuyện trực tiếp với cấp dưới, thậm chí nhờ thêm trợ giúp từ bên ngoài (nếu cần). Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu thì có thể hỏi ý kiến phòng nhân sự. Chuyên viên nhân sự sẽ có góc nhìn khách quan hơn và có thể phát hiện “hạt sạn” mà người quản lý không thấy.
Sau khi tham vấn ý kiến “chuyên gia”, bạn nên hẹn gặp trực tiếp 2 thành viên có xích mích. Mục đích của cuộc gặp này thường không phải để xem ai đúng, ai sai, mà là gỡ nút thắt và tìm giải pháp cân bằng cho cả hai.
Nên tổ chức “ba mặt một lời” nếu cần thiết |
Ban đầu, bạn nên gặp riêng từng người. Chuyên viên nhân sự cũng nên có mặt trong cuộc họp để hỗ trợ bạn xử lý các tình huống căng thẳng có thể phát sinh. Người mà bạn mời tham gia họp cùng phải là người có thiện chí tìm hiểu và cùng bạn giải quyết mâu thuẫn giữa 2 nhân viên, chứ không phải ép 2 người này phải hợp tác với nhau.
Cách góp ý hiệu quả
Trong cuộc họp, hãy hỏi cấp dưới của bạn về vấn đề của họ với người kia, sau đó đưa ra giải pháp bạn nghĩ là phù hợp.
Ví dụ dưới đây về cuộc trò chuyện với 2 nhân viên A và B không ưa nhau:
Cuộc nói chuyện với A:
- Sếp: A này, tôi nhận thấy mối quan hệ giữa bạn và B có chút căng thẳng. Có chuyện gì vậy?
- A: B luôn chỉ trích tôi và “cướp” khách hàng của tôi.
- Sếp: Tôi sẽ nói chuyện với B về điều đó. Tôi cũng biết chuyện bạn hay chậm tiến độ, có thể B chăm sóc khách hàng của bạn vì lý do này. Tôi sẽ yêu cầu B không gây khó dễ cho bạn nữa. Nhưng bạn cũng nên điều chỉnh lịch trình để đảm bảo không còn chậm deadline. Bạn có làm được không?
Cuộc họp với B:
- Sếp: B này, tôi nhận thấy mối quan hệ giữa bạn và A có chút căng thẳng. Có chuyện gì vậy?
- B: A rất thụ động và thiếu trách nhiệm. Tôi luôn phải làm việc của cô ấy.
- Sếp: Vì sao vậy?
- B: Vì nếu tôi không làm thì dự án không thể hoàn thành được.
- Sếp: Quản lý công việc của A là nhiệm vụ của tôi, không phải của bạn. Do đó, cứ tập trung vào khách hàng của bạn và để A làm việc của cô ấy. Nếu bạn thấy sự cố có thể xảy ra, hãy nói với tôi trước khi nói với A, tôi sẽ xử lý.
Tiếp tục theo dõi
Sau khi trò chuyện với 2 thành viên và đề xuất giải pháp, bạn cần tiếp tục theo dõi quá trình “làm lành”. Đôi khi, đây là phần khó khăn nhất. Nếu không theo dõi, bạn sẽ không biết được tình hình đã được cải thiện hay chưa. Đôi khi, họ vẫn hiềm khích với nhau nhưng chỉ “diễn” vui vẻ để vừa lòng sếp.
Bạn nên tiếp tục thảo luận với cấp dưới nếu nhận thấy quá trình loại bỏ xích mích chưa có tiến triển tích cực. Thậm chí, tổ chức buổi gặp “ba mặt một lời” để nhân viên có thể thẳng thắn trao đổi với nhau về những điều khó chịu trong lòng cũng là điều cần thiết. Quá trình này chỉ nên kết thúc khi bạn nhận thấy thái độ được cải thiện rõ rệt và hai người hợp tác hiệu quả với nhau.
Lưu ý nhỏ
Không dễ để giải quyết xung đột của thành viên trong nhóm, nhưng nếu xác định được vấn đề cốt lõi, đưa ra giải pháp và theo dõi quá trình, bạn có thể thành công.
Nếu bạn nhận được phàn nàn chỉ từ một phía, có thể họ không thực sự muốn giải quyết vấn đề, mà chỉ muốn hạ bệ đối thủ. Nhưng nếu người đó sẵn lòng tham gia cuộc họp ba bên, có thể đó là vấn đề khá nghiêm trọng và người này chủ động muốn cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp.
Trong nhiều trường hợp, khi nhân viên không ưa nhau, họ thường để cảm xúc lấn át lý trí. Sự trợ giúp của cấp trên có thể giúp họ vượt qua cảm xúc tiêu cực để chung tay làm việc.
(Nguồn: Careerbuilder.vn)