Chủ tịch CTCP Tập đoàn Asanzo bị tố không hề góp vốn vào sản xuất phân bón và bị cho là không sở hữu công nghệ, công thức phối trộn vi sinh độc quyền sản phẩm phân bón Ba Con Bò.
Nổi tiếng “tivi Made in Vietnam” Asanzo
Ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Tam (SN 1980, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Asanzo) về tội Trốn thuế.
Ngược dòng thời hoàng kim của ông Phạm Văn Tam, không thể không nhắc đến Chương trình Shark Tank. Shark Tank mùa 3 hồi giữa năm 2019 công bố dàn "cá mập" với những cái tên quen thuộc như Phạm Thanh Hưng, Nguyễn Ngọc Thủy, Thái Vân Linh… và có thêm 2 gương mặt mới trong đó có ông Phạm Văn Tam (1980) - Chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam cùng với sự ra đời Quỹ đầu tư khởi nghiệp Asanzo Startup Fund với vốn khởi đầu 200 tỷ đồng.
Cái tên Shark Tam trở nên nổi đình đám, phủ kín các mặt báo với gương mặt một doanh nhân trẻ trung, năng động… và quan trọng hơn là “từ 2 bàn tay trắng để làm nên hãng tivi 'made in Vietnam' có tên Asanzo”.
Ở vào thời điểm Shark Tam ra mắt Shark Tank mùa 3 cũng là khoảng thời gian thương hiệu Asanzo đình đám hơn bao giờ hết.
Thành lập chính thức từ năm 2013, cho đến giữa năm 2019 Asanzo chỉ xếp sau các ông lớn tivi Samsung, LG và Sony về thị phần. Asanzo đã tăng trưởng thần tốc trong khi có những công ty lắp ráp tivi lâu năm rất chật vật để cạnh tranh.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường GfK, thị phần của Asanzo trên thị trường tivi Việt Nam khi đó chiếm khoảng 16%, trong khi ông lớn LG chiếm 17%, Sony 25% và Samsung 35%.
Theo số liệu do Asanzo cung cấp, năm 2016, số tivi mà công ty này bán được là 500.000 chiếc, chiếm 15% thị phần. Còn năm 2017, hãng cho biết bán được khoảng 710.000 cái. Năm 2017, Asanzo đạt tổng doanh thu 4.629 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với 2016, trong đó, doanh thu bán hàng tivi chiếm nhiều nhất với 4.200 tỷ đồng.
Đặc điểm của tivi Asanzo là có giá rất rẻ, thậm chí thấp hơn 30-40% với nhiều mẫu cùng loại trên thị trường. Asanzo chủ yếu bán tại thị trường nông thôn, chiếm đến 70% doanh số của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Asanzo còn bán cho các nhà nghỉ, khách sạn hay nhà hàng,... là nơi mà tivi không cần thiết phải sử dụng loại quá xịn.
Theo thông tin trên trang Asanzo, trong thời gian đầu ông Tam chọn cách đặt linh kiện nước ngoài và thiết kế lắp ráp lại và lược bỏ hoàn toàn những chức năng không cần thiết. Từ đó tivi Asanzo có giá thành rẻ và phù hợp với nhu cầu số đông.
Chiếc tivi Asanzo 25 inch đời thứ 2 có giá chưa tới 2 triệu nhanh chóng được đón nhận. Nhiều sản phẩm phù hợp với đặc điểm với từng miền như miền Tây là tivi chạy bằng ắc quy, miền Trung là bo mạch chống ăn mòn hơi nước biển, miền Bắc là hình thức na ná tivi ngoại.
Dù ra đời được chỉ vài năm, nhưng tới 2017, Asanza đã bán được 710.000 chiếc tivi, tăng trưởng gần 140% so với năm 2016. Asanzo sau đó lấn sân sang sản xuất điện thoại thông minh.
Tivi Asanzo tăng trưởng rất nhanh trong khi nhiều dòng tivi sản xuất nội địa khác ngày càng gặp khó khăn như Vietronics Tân Bình.
Dồn dập tai tiếng
Ngay sau khi được công bố có mặt trong Chương trình Shark Tank mùa 3, Shark Tam dính tai tiếng liên quan tới nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Chương trình truyền hình thực tế Shark Tank sau đó đã phát thông báo thay đổi Hội đồng Đầu tư cho mùa thứ 3. Theo đó, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Asanzo Việt Nam, không tiếp tục tham gia chương trình với vai trò là nhà đầu tư khách mời của mùa 3.
Sau đó, Asanzo dính lùm xùm với Sharp Việt Nam. Tới cuối tháng 11/2019, Sharp Việt Nam gửi đơn tới 5 bộ tố cáo hành vi làm giả tài liệu và đưa ra thông tin không đúng sự thật của Asanzo.
Theo đó, Sharp Việt Nam cho biết hồi giữa tháng 9/2019, Asanzo công bố trước công chúng về việc Asanzo sở hữu công nghệ Nhật Bản và việc Asanzo khi đó đang có quan hệ hợp tác với Sharp Roxy (Hong Kong - SHR)… là không chính xác.
Hồi cuối tháng 10/2019, Tổng cục Hải Quan ban đầu xác định Asanzo có dấu hiệu "lừa dối người tiêu dùng", quy trình lắp ráp một số sản phẩm của Asanzo không đúng như quảng cáo. Asanzo không tự sản xuất mà chủ yếu nhập linh kiện từ các doanh nghiệp trong nước rồi lắp ráp thủ công, cho nên việc sử dụng cụm từ "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" không đúng với thực tế... Những linh kiện trên chủ yếu được một số doanh nghiệp khác nhập khẩu từ Trung Quốc, rồi bán lại cho Asanzo.
Về thuế, theo kết luận Thanh tra thuế hồi giữa tháng 10/2019 của Cục Thuế TP.HCM và các hồ sơ liên quan cho thấy Asanzo thành lập 19 công ty liên kết do gia đình và nhân viên đứng tên để nhập hàng về bán lại cho Asanzo. Mua "linh kiện" nhưng Asanzo lại ghi nội dung hóa đơn là "mặt hàng thành phẩm" để không khai thuế tiêu thụ đặc biệt, sau đó bán hàng thành phẩm không xuất hóa đơn.
Cục Thuế TP.HCM sau đó có quyết định xử phạt, truy thu, chậm nộp của Asanzo tổng cộng 47,6 tỷ đồng.
Sau lùm xùm Asanzo mập mờ nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, khoảng một năm sau đó Shark Tam lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp. Ông chủ của Asanzo tuyên bố cùng với một nhóm các nhà đầu tư đã rót 2.000 tỷ đồng vào hệ thống 5 trang trại bò trải dài từ Hoà Bình đến Nghệ An với quy mô 25.000 con.
Tuy nhiên, ngay sau khi Shark Tam tuyên bố trên truyền thông về khoản đầu tư này, phía Công ty T&T 159 đã phản bác tuyên bố của Shark Tam, đồng thời cho biết chưa nhận được bất kỳ khoản đầu tư nào của ông.
Lãnh đạo T&T 159 thời điểm đó khẳng định thông tin ông Tam cùng nhóm nhà đầu tư rót nghìn tỷ vào hệ thống trang trại bò trải dài từ Hoà Bình đến Nghệ An là không chính xác mà chỉ là phân phối độc quyền phân bón 3 Con Bò vào thị trường miền Nam do T&T 159 sản xuất.
Ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Tam (SN 1980, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Asanzo) về tội Trốn thuế. Kết quả điều tra bước đầu xác định ông Phạm Văn Tam đã chỉ đạo Phạm Xuân Tình ký kết các hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNNHH đầu tư thương mại Việt Tài, Công ty TNHH đầu tư sản xuất An Thiên, Công ty THHH Đầu tư xuất nhập khẩu Trần Thoài; sau đó không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH điện lạnh Asanzo của Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo. Ngoài ra, bị can sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, nhằm mục đích trốn số tiền thuế phải nộp là hơn 15,7 tỷ đồng. |