NSND Đặng Thái Sơn hào hứng: "Chơi 5 bản concerto của Beethoven là một thử thách cho bất cứ nghệ sĩ nào, và là điều chưa từng xảy ra ở VN".

TIN BÀI KHÁC


Khiêm tốn, nỗ lực và mộng mơ. Đó là những điều làm nên một nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn - "người được Chopin chọn". Tự xem mình như một người lãng mạn, thử thách sắp tới của pianist nổi tiếng nhất Việt Nam là chơi trọn bộ 5 Concerto đồ sộ của nhà soạn nhạc thiên tài L.V. Beethoven tại khán phòng Nhà hát Lớn đêm 15 và 18/01, sau khi dự án Beethoven Marathon của ông đã chinh phục hàng ngàn khán giả nước ngoài.

Nghệ sĩ  Đặng Thái Sơn trò chuyện tại buổi họp báo ra mắt dự án Beethoven Marathon tại Việt Nam. Bên cạnh ông là nhạc trưởng Honna Tetsuji.

Thời tiết giá buốt có ảnh hưởng đến sự linh hoạt của đôi tay khi chơi đàn không, thưa ông?

- Về cơ bắp cũng có ảnh hưởng phần nào, nhưng có thể dùng cách sưởi hoặc nắm tay lại một lúc. Cái lạnh bên ngoài thì khắc phục được, chứ cái lạnh thần kinh mới là khó (cười).

Luôn có những tranh luận về việc nghệ sĩ độc tấu sẽ sáng tạo bao nhiêu phần so với tác phẩm gốc của nhà soạn nhạc. Ông nghĩ sao về điều này?

- Dù có nhiều người biểu diễn một dòng giống nhau, thì cũng không ai giống ai cả, luôn xuất hiện dấu ấn của cá tính. Có hai phần trong một bản nhạc được biểu diễn: một là tôn trọng phong cách của nhạc sĩ và hai là cá tính của nghệ sĩ. Cái tài của nghệ sĩ là kết hợp được hai yếu tố đó một cách hài hòa, không thái quá bên nào cả.

Nếu thiên về thể hiện ý đồ nhạc sĩ mà mất đi cá tính của mình thì khó gây ấn tượng cho khán giả. Họ sẽ không thấy bộ mặt của người nghệ sĩ. Còn nếu chỉ đánh cho mình mà quên đi tác giả thì sẽ gây ra nhiều tranh cãi. Điều này đã từng xảy ra rất nhiều trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế.

Tuy nhiên, tỷ lệ cho nhạc sĩ và nghệ sĩ cũng phụ thuộc cả vào tổng phổ của bản nhạc. Có những nhà soạn nhạc rất cởi mở, cho phép nghệ sĩ được sáng tác, như Bach hay Beethoven. Bach khuyến khích tự do của người biểu diễn bằng cách để trống rất nhiều chi tiết về tempo, tốc độ, tính chất bài... Ngược lại, có 2 người tương đối hạn chế tự do của người biểu diễn, phong cách của họ rất mạnh. Đó là Mozart và Chopin. Với 2 nhà soạn nhạc này, người biểu diễn nào chơi thái quá theo kiểu của mình thì rất dễ gây scandal.

Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin tháng 10 năm 1980 tại Vác-sa-va (Ba Lan).

Ông nói mình thích những sự thử thách lớn. Vậy với Beethoven, ngoài thử thách lớn ra ông còn có cảm hứng gì đặc biệt?

- Tôi chọn làm một chương trình không phải chỉ vì thử thách mà còn vì yêu thích nó, nó mang lại cho mình niềm vui, niềm an ủi. Người ta nói rằng muốn chơi được nhạc Beethoven thì phải biết mùi đời, biết đắng cay. Cũng vì đắng cay nên người ta tìm đến Beethoven để cảm thấy được an ủi. Không ai hiểu về lòng người như Beethoven. Ông ấy đi sâu vào tâm hồn con người đến mức nhiều khi mình có cảm giác như ông đi trong bụng mình. Tôi cũng không biết tại sao ông lại hiểu hết về con người như vậy. Beethoven khác với chất của Mozart - một vẻ đẹp thần tiên.  

Cái chính là cuộc đời của Beethoven rất bi thương, cô đơn và nhiều đau khổ. Cũng vì vậy, làng nhạc yêu Beethoven, cũng lý giải vì sao thầy của tôi - Vladimir Nathason - lại yêu Beethoven khủng khiếp đến như vậy. Thầy Nathason là người Do Thái ở Liên Xô cũ. Ông đã sống trong sự phân biệt đối xử,  trong sự sợ hãi nơm nớp. Những trí thức nghệ sĩ Nga thời đó đã chơi nhạc Beethoven, xem ông như là cái đỉnh của trí tuệ sáng ngời trong thế hệ của họ, bởi họ đã trải qua rất nhiều đau khổ.

Ngoài việc thầy Vladimir Nathason gửi gắm mong muốn ông sẽ chơi một đêm Beethoven trọn vẹn, ông còn một động lực riêng tư nào khác với người nhạc sĩ này không?

- Thầy Nathason là người cuối cùng "mớm" cho tôi tình yêu với Beethoven. Nhưng trước đó, trong gia đình tôi, cả bố và mẹ đều rất yêu thích nhạc sĩ tài hoa này.

Ông đã bao giờ có cảm giác bất lực khi đứng trước một bản nhạc?

- Nhiều chứ! Điều này xuất phát từ nhiều lý do. Có những lý do về phần hồn của âm nhạc mình chưa nhập thần được, còn gượng gạo sống sượng, chưa thật chín. Cũng có những bản mình bất lực vì một số những thử thách kỹ thuật. Các kỹ thuật của piano rất rộng và ghê gớm. Ai đó trong làng nhạc mà nói rằng tôi không sợ gì cả, không gặp khó khăn khi thể hiện bất cứ bản nhạc nào thì có lẽ là người không thật thà lắm (cười)

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn nói về 5 concerto của Beethoven

Nghệ sĩ piano không chỉ cần kỹ thuật mà còn phải trau dồi cả thể lực nữa. Ông đã giữ gìn sức khỏe của mình như thế nào?

- Cám ơn bạn. Thời 20, 30 tuổi cơ thể thoải mái dễ dàng, còn bây giờ càng ngày càng khó khăn thì phải tìm ra những cách khác để bù đắp lại. Cuối cùng tôi nghiệm ra, với bản thân mình, sức mạnh của ý chí phải mạnh hơn sức mạnh của thể chất.

Sau Beethoven, còn ngọn núi nào mà ông muốn vượt qua?

- Tôi cứ tính theo từng thập niên. Lúc đầu 20, 30 tuổi tôi chơi Chopin, Lizst, Rachmaninov... chủ yếu là nhạc Nga. Cuối 30, 40 bắt đầu đánh ấn tượng Pháp - Debussy, Ravel; giờ đến Beethoven. Trong tương lai tôi sẽ thử sức tới cái đỉnh - được coi như ông tổ của âm nhạc - J.S. Bach. Âm nhạc cổ điển là từ ông mà ra. Hồi nhỏ trẻ con rất sợ đánh Bach vì bản nhạc của ông khô. Nhưng thực ra đó là nhạc sĩ ướt át nhất trên đời, hiện đại nhất trên đời.. Cái gì ông cũng có.

Xin cảm ơn nghệ sĩ!

Hồ Hương Giang (ghi)
Ảnh: Angellittlefire