- Các thông tư quy định các điều kiện kinh doanh sẽ bị bãi bỏ, thay thế là các nghị định quy định chung các điều kiện kinh doanh trong từng lĩnh vực. Các nghị định này đang được gấp rút xây dựng để kịp ban hành trước 1/7 và được xem là các "siêu nghị định".
Qua quá trình thẩm định, các chuyên gia lo ngại, nhiều điều kiện kinh doanh trong các “siêu nghị định" còn chưa ổn. Nội dung chủ yếu là tập hợp, nâng cơ học từ thông tư lên nghị định, nhiều điều kiện kinh doanh "ba không": không minh bạch, không hợp lý, không khả thi. Điều này dấy lên lo ngại: Dồn dập làm các nghị định nhưng chất lượng thấp sẽ 'trói' doanh nghiệp (DN) nhiều hơn và sẽ khó sửa hơn.
Cảnh báo: Ba không
Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban - Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Ciem) chia sẻ: Các bộ ngành xây dựng nghị định theo kiểu “nước đến chân mới nhảy” nên những dự thảo đưa ra lấy ý kiến đầy lỗi, chung chung, có những quy định không cần thiết, không hợp lý, thậm chí cài cắm lợi ích".
Dẫn chứng dự thảo về nghị định quy định điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, bà Thảo cho rằng “không nhất thiết phải có một nghị định quy định điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này”. Quản lý chất lượng mũ bảo hiểm là quản lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm; kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái thuộc trách nhiệm quản lý thị trường. Do đó cần xem lại sự cần thiết phải đưa ra quy định điều kiện kinh doanh này.
Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên Tổ Công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư, lo ngại tình trạng các bộ ngành 'chép lại' điều kiện kinh doanh trong các thông tư vào nghị định hay ban hành điều kiện kinh doanh không có cơ sở hợp lý. Điều này không những gây khó khăn, cản trở hoạt động kinh doanh, mà còn trái với quy định tại khoản 1, Điều 7, Luật Đầu tư năm 2014.
Nhiều điều kiện kinh doanh trong các “siêu nghị định” đang được soạn thảo bị đánh giá là chất lượng rất kém. |
Thông thường, khi một bộ đưa ra dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh phải trải qua 4 vòng kiểm soát. Một là họp ban soạn thảo bao gồm đại diện đến từ nhiều bộ ngành khác. Hai là lấy ý kiến xã hội qua công văn hoặc hội thảo, đối thoại... Ba là thẩm định ở Bộ Tư pháp. Bốn là thẩm tra ở Văn phòng Chính phủ.
Tuy nhiên, với 50 nghị định về điều kiện kinh doanh được các bộ ngành soạn thảo cùng một lúc, theo thủ tục rút gọn, nên vòng 1 và 2 là không đầy đủ.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI, bản trình dự thảo của các bộ đăng tải trên mạng và gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định chất lượng rất kém. Nội dung chủ yếu là nâng cơ học từ thông tư lên nghị định với nhiều điều kiện kinh doanh "ba không": không minh bạch, không hợp lý, không khả thi.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Đức cũng cho rằng do sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nên công tác thẩm định của BTP và thẩm tra của VPCP có tác động rõ rệt. Sau vòng thẩm tra tại BTP, rất nhiều các ĐKKD "ba không" đã bị loại bỏ. Thậm chí, có đến gần chục ngành nghề đang được kiến nghị đưa ra khỏi danh mục 267 vì thấy không cần thiết."
Báo cáo rà soát của VCCI mới đây gửi lên Chính phủ về vấn đề này, trong 311 kiến nghị thì có đến 75 kiến nghị đề nghị bỏ các điều kiện kinh doanh, 127 kiến nghị sửa đổi.
Đừng vội rồi khó sửa sai
Theo Trung tâm nghiên cứu độc lập BIDV, để đảm bảo các nghị định về điều kiện kinh doanh được ban hành đi vào đời sống tạo điều kiện cho DN, việc ban hành phải đảm bảo chất lượng, điều kiện/hồ sơ rõ ràng, thủ tục đơn giản cho DN, hạn chế chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn giữa các văn bản gây khó khăn cho DN.
Để làm được việc này, các bộ cần trực tiếp làm việc, thảo luận với nhau để gỡ vướng mắc. Bên cạnh đó, quy trình xây dựng, thẩm định văn bản rút gọn nhưng phải bảo đảm công khai, minh bạch, đặc biệt phải lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động mà cụ thể ở đây là cộng đồng kinh doanh.
“Để điều kiện kinh doanh không là rào cản đối với DN, đơn vị soạn thảo cần lấy ý kiến đủ cả DN lớn và nhỏ, đánh giá tác động, khả năng gia nhập thị trường của DN mới, ước tính số lượng DN có khả năng đáp ứng quy định mới” – Trung tâm nghiên cứu của BIDV đề nghị.
Theo đó, mặc dù thời gian rất gấp, nhưng việc ban hành nghị định cần phải được đánh giá một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng. Những điều kiện nào không cần thiết thì phải bỏ hẳn chứ không để nâng cấp thông tư thành nghị định một cách cơ học.
Theo các chuyên gia tư pháp, việc đẩy nhanh tiến độ ban hành nghị định cũng tiềm ẩn rủi ro chất lượng nghị định sẽ không đảm bảo, dẫn tới lại phải sửa đổi, bổ sung rất mất thời gian. Bởi vì việc ban hành nghị định mới hay sửa đổi, bổ sung thường phải mất từ 2-3 năm.
Vì vậy, các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu độc lập BIDV đề xuất, nếu cần thiết có thể báo cáo Thủ tướng cho lùi thời gian ban hành các nghị định đến 1/8/2016.
Theo đó, nghị định nào hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thì ban hành sớm kịp thời hạn. Chưa hoàn thiện cần có thời gian bổ sung thêm. Tranh tình trạng vội vàng rồi về sau khó sửa.
Nói về triển khai xây dựng các nghị đinh về điều kiện kinh doanh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà từng lưu ý: “thà bỏ sót chứ không trói DN chặt thêm”.
Tại cuộc họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ ngày 23/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nhà nước pháp quyền không có nghĩa là xây dựng thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà quan trọng là chất lượng văn bản; không phải chạy theo số lượng mà là phải là chất lượng văn bản, làm sao tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN, tạo động lực phát triển mới, thực hiện cho được mục tiêu phát triển DN trong thời gian tới.
“Các văn bản mặc dù được xây dựng theo quy trình rút gọn song không vì tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng, không đưa y nguyên thông tư cũ, quy định cũ lên thành nghị định mới”, Thủ tướng lưu ý.
Hà Duy