Lời tòa soạn

Từ 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy chính thức bị "khai tử". Theo Bộ Công an, có 7 phương thức để thay thế sổ hộ khẩu, trong đó chủ yếu thực hiện trên không gian Internet. Tuy nhiên, nhiều câu chuyện "cười ra nước mắt" khi bỏ hộ khẩu giấy nhưng người dân lại phải ngược xuôi đi xác nhận cư trú. PV VietNamNet trực tiếp ghi nhận tại các địa phương.  

Chưa đồng bộ việc đọc CCCD gắn chip 

Anh Vũ Ngọc Quyết (chủ hộ cho thuê trọ ở quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ, mới đây khi đi làm thủ tục đăng ký tạm trú cho người thuê trọ, anh chỉ cần mang thẻ CCCD gắn chíp của họ cùng giấy tờ liên quan đến công an phường, làm thủ tục khá thuận lợi, nhanh chóng.

“Cán bộ công an sử dụng thiết bị đọc mã QR Code trên thẻ căn cước công dân gắn chíp tích hợp với máy tính để đọc dữ liệu liên quan, làm thủ tục rất thuận lợi, không còn phải mang theo một xấp giấy tờ như trước", anh Quyết cho hay. 

Tuy nhiên, hiện nay khi đi làm các thủ tục hành chính khác, nhiều người gặp khó khăn vì phát sinh thêm việc phải có giấy xác nhận cư trú.

Anh Nguyễn Chí Thiện (quê Quảng Bình) vào TP.HCM xin việc làm thì được công ty yêu cầu phải có xác nhận nơi cư trú dù anh đã có CCCD gắn chip.

Người dân thực hiện giao dịch hành chính tại TP.HCM. Ảnh: Hồ Văn

Anh Thiện đã đến một phường ở quận 12, TP.HCM để làm thủ tục xin giấy xác nhận cư trú nhưng không được vì giấy này phải do công an nơi thường trú cấp. Để tiết kiệm chi phí đi lại, anh Thiện gọi điện về quê nhờ người thân gửi sổ hộ khẩu giấy vào để đi công chứng, chứng minh nơi cư trú thay vì phải xin giấy ở công an. 

Thực tế, phóng viên ghi nhận hiện nay không chỉ các hoạt động về hành chính công gặp khó khăn liên quan đến sổ hộ khẩu mà các hoạt động dân sự như vay vốn ngân hàng, mua bán xe vẫn phải cần giấy xác nhận cư trú hoặc sổ hộ khẩu cũ.

Để khỏi phải làm thủ tục xin giấy xác nhận cư trú CT07, nhiều người dân vẫn dùng sổ hộ khẩu giấy trình cho cán bộ thụ lý xem thông tin, xác nhận tình trạng cư trú của mình. 

Nhiều người cho biết cảm thấy rất "phiền hà" khi phải xin xác nhận cư trú. Ảnh: Hồ Văn

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Phan Cường, Chủ tịch UBND phường Tân Hưng Thuận (quận 12, TP.HCM) cho biết, từ khi không sử dụng sổ hộ khẩu, người dân sử dụng CCCD gắn chip trong làm thủ tục đã giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Việc này cũng nhằm mục đích giảm bớt quá trình thực hiện thủ tục hành chính như đi lại, công chứng các loại giấy tờ....

Dù vậy, hiện nay cơ sở dữ liệu dân cư còn chưa được liên thông, chưa đồng bộ hoàn toàn để khai thác hết các thông tin liên quan hoặc thông tin người dân cung cấp chưa đầy đủ khi người dân cư trú qua nhiều nơi. 

Một số thủ tục hành chính vẫn phải yêu cầu người dân phải đến công an xin xác nhận nơi cư trú để được giải quyết. Ví dụ như thủ tục hành chính liên quan việc đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân. 

Nhiều địa phương chưa sẵn sàng kết nối 

Trước thời điểm "khai tử" sổ hộ khẩu giấy, Bộ Công an đã hoàn thiện và đi vào vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hệ thống này cập nhật đầy đủ các thông tin cần thiết của công dân, phục vụ các giao dịch, thủ tục hành chính. 

Tuy nhiên, theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), đến nay có 3 tỉnh chưa đủ điều kiện an toàn để kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư gồm Bắc Kạn, Gia Lai và Phú Yên. Lý do của việc chậm trễ này xuất phát từ việc triển khai dự án, khó khăn về kinh phí và thủ tục liên quan đến đấu thầu.

Ngoài 3 địa phương trên, theo C06, qua công tác vận hành, một số địa phương mặc dù đã kết nối, hoặc đủ điều kiện kết nối nhưng vẫn hạn chế trong khai thác, sử dụng thông tin dân cư như: Sơn La 0 lượt, Bình Phước 10 lượt, Vĩnh Long 4 lượt, Hà Giang 22 lượt, Hòa Bình 16 lượt, Quảng Nam 27 lượt...

Trong bối cảnh nhiều địa phương chưa sẵn sàng khai thác cơ sở dữ liệu về dân cư, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 28/2 ký ban hành Công điện số 90 của Thủ tướng chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Theo đó, bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Cùng với đó, công điện yêu cầu tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định nêu trên theo thẩm quyền; Nâng cấp các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh bảo đảm việc kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc tra cứu thông tin về cư trú trong thực hiện thủ tục hành chính.

Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bị 'khai tử' từ 1/1/2023. 

Còn theo người phát ngôn Bộ Công an - Trung tướng Tô Ân Xô, việc bỏ sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong các giao dịch dân sự là một vấn đề hoàn toàn mới. Trong quá trình triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt dẫn đến các thủ tục hành chính chưa thống nhất. Cơ sở hạ tầng, kỹ thuật tại một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu, dẫn đến đường truyền mạng còn chậm, đôi khi bị tắc nghẽn, đòi hỏi phải có thời gian khắc phục.

Đặc biệt, theo Trung tướng Tô Ân Xô, nhiều cán bộ chưa nắm vững quy định, quy trình, thủ tục mới nên vẫn yêu cầu công dân xuất trình các giấy tờ chứng minh nơi cư trú dù công dân đã có CCCD gắn chip.

Để giải quyết khó khăn trên, Bộ Công an đang đẩy mạnh việc cấp mã định danh cá nhân, thẻ CCCD gắn chip cho công dân đủ điều kiện; rà soát sửa đổi văn bản pháp luật theo hướng tăng giá trị hiệu lực của mẫu xác nhận thông tin về cư trú.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra việc cán bộ sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công; kiên quyết xử lý, kỷ luật những trường hợp không thực hiện đúng quy định, cố tình gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cho công dân, bức xúc trong dư luận xã hội.

Đề nghị cấp quyền khai thác dữ liệu dân cư cho cán bộ bưu điện

Tỉnh Quảng Nam bị nêu tên trong việc hạn chế khai thác, sử dụng thông tin dân cư trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) với 27 lượt.

Trả lời vấn đề trên, Giám đốc trung tâm CNTT và Truyền thông Quảng Nam Trương Thanh Bình cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc có ít lượt khai thác.

“Cán bộ tiếp nhận, xử lý hồ sơ chưa được hướng dẫn cụ thể, và cũng chưa quan tâm đúng mức.

Ở Quảng Nam việc tiếp nhận đầu vào giải quyết thủ tục hành chính chuyển giao cho bưu điện tỉnh, nhưng hiện nay cán bộ ở đây chưa được cấp quyền khai thác cơ sở dữ liệu dân cư”, ông Bình nêu lý do.

Cùng với đó, thông tin đầu vào và thành phần hồ sơ người dân, doanh nghiệp rõ ràng nên đôi lúc cán bộ thụ lý hồ sơ chưa cần tra cứu. Một số TTHC tuy của địa phương giải quyết, nhưng được tiếp nhận trên hệ thống MC-DVC của các cơ quan ngành dọc (Bộ Tư pháp, Bộ Công an…) nên tra cứu dữ liệu dân cư được thực hiện trên hệ thống của bộ, ngành.

Ông Bình cũng đưa ra một số đề xuất, UBND tỉnh đã có công văn gửi Cục C06 đề nghị hướng dẫn kết nối, khai thác các tiện ích của Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ giải quyết các TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó có đề nghị cho phép đăng ký và cấp quyền khai thác cho cán bộ bưu điện.

Sở TT&TT tăng cường hướng dẫn cho các cơ quan đơn vị và địa phương tra cứu. Đồng thời, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện nội dung này.

Kỳ 5: Hộ khẩu điện tử đã hoàn thiện, cần giảm phiền hà về giấy cư trú