- Trừng phạt những người thân cận trong đó có nhiều tỷ phú là mục tiêu mà Obama nhắm tới nhằm kiềm chế sức mạnh đang lên của Putin. Dù đặt niềm tin vào Putin nhưng các tỷ phú Nga vẫn đủ khôn ngoan để tìm cách thủ thế nhằm tạo chốn an thân cho mình trong trường hợp xấu nhất.

Nhắm vào nhóm thân tín

Nước Anh của Thủ tướng David Cameron có thể sẽ phong tỏa tài khoản tỷ phú Nga Roman Abramovich, người sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea ở London. Dù mới chỉ là cảnh báo nhưng nó cũng khiến không ít người trong giới tài phiệt của Nga lo lắng.

Cuối tuần trước, bên cạnh 16 quan chức của Nga, nhiều nhân vật trong giới kinh doanh của Nga như: Gennady Timchenko, Arkady Rotenberg, Boris Rotenberg, Yuri Kovalchuk cũng đã bị Mỹ trừng phạt. Mức độ mà các tỷ phú Nga bị trừng phạt thấp hơn quan chức nhưng có cùng lý do là vì thân cận hoặc có liên quan tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Gennady Timchenko là nhà sáng lập tập đoàn dầu khí nổi tiếng Gunvor, cùng với Kovalchuk là cổ đông lớn nhất của Bank Rossiya nơi có có tài khoản của các nhân vật cao cấp tại Nga. Hai doanh nhân này có tài sản hàng tỷ USD.

{keywords}
Các tỷ phú Nga vẫn đủ khôn ngoan để tìm cách thủ thế nhằm tạo chốn an thân cho mình trong trường hợp xấu nhất

Arkady Rotenberg là tỷ phú và là CEO của Stroygazmontazh Corporatio, một trong những nhà thầu lớn nhất tại Nga chuyên ngành xây dựng, đường ống, ngân hàng và có mối quan hệ thân tình từ thời trai trẻ với tổng thống Putin.

Em trai Arkady, ông Boris Rotenberg cũng là tỷ phú và có cổ phần lớn trong Stroygazmontazh Corporatio. Các công ty của anh em Rotenberg đã nhận các hợp đồng có tri giá 7 tỷ USD cho Olympics mùa Đông tại Sochi và là những nhà cung cấp chính cho tập đoàn sản xuất khi gas lớn nhất thế giới Gazprom.

Trong danh sách trừng phạt lần 1 của Mỹ, trong 7 quan chức có 2 doanh nhân làm chính trị là ông Surkov, người được đánh giá là "kiến trúc sư chính trị" và Andrei Klishas (thành viên Thượng viện Nga) giữ vai trò Chủ tịch tại công ty khai mỏ và luyện kim MMC Norilsk Nickel.

Bên cạnh đó, còn có lãnh đạo các tập đoàn khổng lồ của Nga là Gazprom (kiểm soát 20% trữ lượng khí đốt của thế giới), Rosneft, RZD.

{keywords}
Putin dùng quân cờ khí đốt khiến Âu - Mỹ... ớn lạnh

Một nhân vật cũng được Mỹ quan tâm đặc biệt trong nỗ lực kiềm chế sức mạnh Putin là tỷ phú người Ukraine Dmitry Firtash, người trở nên giàu có nhờ làm trung gian buôn bán khí gas giữa Nga và Ukraine.

Doanh nhân 48 tuổi này đã cùng với một đối tác sở hữu 50% cổ phần RosUkrEnergo - nhà nhập khẩu khí gas duy nhất vào Ukraine trong từ 2006-2009 - thời kỳ xảy ra xung đột về giá dầu giữa 2 nước khiến cho nguồn cung ngưng trệ gây ra hiện tượng thiếu khí trên khắp châu Âu.

Tìm chốn an thân

Tất cả những gì mà Mỹ và châu Âu làm được cho đến lúc này là từ chối vias và và đóng băng tài sản của vài chục người Nga, một con số quá nhỏ so với tổng số 140 triệu người nước này. Ngành năng lượng và hệ thống ngân hàng của Nga vẫn hoạt động bình thường.

{keywords}

Hàng trăm tỷ phú của Nga đang có những ảnh hưởng lớn tại nhiều nền kinh tế châu Âu.

Với các quan chức Nga, nhiều người cho rằng họ không có tài sản ở nước ngoài và do vậy việc trừng phạt không có ảnh hưởng. Thậm chí họ còn lấy làm tự hào khi bị trừng phạt bởi nó khẳng định đóng góp của họ cho nước Nga.

Với các tỷ phú, lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu cho dù mức độ trừng phạt thấp hơn các quan chức, nhưng giới tài phiệt Nga vẫn phải thủ thế bảo vệ túi tiền của mình.

Cuối tuần trước, tỷ phú Gennady Timchenko đã bất ngờ bán sạch 43% cổ phần trong hãng dầu mỏ Gunvor cho một đối tác kinh doanh, ngay trước khi danh sách trừng phạt mới của Mỹ được công bố có tên ông.

Gunvor cho biết đây là việc đã được chuẩn bị từ trước và được thực hiện trong một thời gian rất ngắn. Ông Timchenko nằm trong danh sách bổ sung bị Mỹ trừng phạt cùng với anh em nhà Rotenberg và Kovalchuk. Quyết định bán cổ phiếu của Timchenko được cho là để tránh tình trạng bị đóng băng tài sản.

Trước đó, thị trường tài chính toàn cầu đã chứng kiến những phiên giao dịch chao đảo do có tin giới tài phiệt Nga rút tiền trị giá cả 100 tỷ USD khỏi thị trường Mỹ. Trên thực tế, số tiền lớn này đã được chuyển ra khỏi Mỹ giữa lúc chính quyền Tổng thống Barack Obama đang tăng cường đe dọa có các biện pháp trừng phạt các tỷ phú và quan chức Nga.

Mũi dùi tấn công của Mỹ và châu Âu xoáy vào các tỷ phú liên quan trực tiếp tới việc tạo ra tiền cho ngân sách Nga đã khiến TTCK nước này lao dốc trong nhiều phiên. Cổ phiếu của nhiều tập đoàn và ngân hàng lớn giảm mạnh.

Tính từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra cuối tháng 2, các tỷ phú Nga cũng mất tổng cộng khoảng 20 tỷ USD. Trong đó, Chủ tịch hãng thép Novolipetsk Steel, Vladimir Lisin mất hơn 2 tỷ USD trong vòng một tháng. Tỷ phú Alisher Usmanov cũng mất 85 triệu USD trong tuần trước và người đàn ông giàu nhất nước Nga này đã bán cổ phiếu Apple và Facebook để chuyển sang các hãng công nghệ Trung Quốc.

Có thể thấy, cho dù không thể đánh trực tiếp vào kinh tế Nga nhưng biện pháp này đang gây sức ép lên ông Putin.

Không những thế, sau khi Nga cho sáp nhập Crimea, thượng viện Mỹ đã thông qua một đạo luật cho phép tài trợ khẩn cấp cho những nước có thể mở rộng các biện pháp trừng phạt, bao gồm bất kỳ một người Nga nào liên quan tới tham nhũng lớn. Đạo luật này cho phép Mỹ tấn công mạnh hơn vào những người thân cận của Putin.

Ở chiều ngược lại, cả trăm tỷ phú của Nga đang có những ảnh hưởng lớn tại nhiều nền kinh tế châu Âu. Các tỷ phú này có BĐS và các tài sản khác rải khắp châu Âu cũng như Mỹ đến mức nhiều người còn gọi London là Londongrad. Trong trường hợp, các tỷ phú Nga bị đe dọa, rất có thể nhiều nước châu Âu sẽ phải trả giá. Trừng phạt vào giới tài phiệt ở mức độ quá mạnh có thể sẽ khiến tỷ phú các nước cân nhắc kỹ khi đầu tư vào các nền kinh tế này.

Huấn Tú