Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa cho biết, ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát - Hải Phát Invest (HPX) hôm 23/3 bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 1,06 triệu cổ phiếu HPX.

Sau khi bị bán giải chấp, tỷ lệ sở hữu tại Hải Phát của ông Đỗ Quý Hải giảm từ 14,73% về còn 14,39%.

Như vậy, chuỗi bán giải chấp của Chủ tịch CTCP Đầu tư Hải Phát vẫn chưa dừng lại. Ông Hải bị bán giải chấp từ cuối năm 2022, khi nhiều lần bị các công ty chứng khoán bán ra.

Từ cuối năm 2022 tới nay, Chủ tịch Đỗ Quý Hải đã bị bán ra hàng chục triệu cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu tại Hải Phát Invest giảm từ trên 40% (khoảng hơn 120 triệu cổ phiếu) xuống còn hơn 14% như hiện tại.

Cổ phiếu HPX cũng liên tục bị bán tháo và giảm giá, từ mức trên 26.000 đồng/cp hồi cuối tháng 10/2022 xuống còn khoảng 4.000 đồng/cp như hiện tại. Đây là mức giá thấp lịch sử của cổ phiếu này.

Trong năm 2022, vợ và em trai ông Đỗ Quý Hải cũng giảm khá mạnh tỷ lệ sở hữu.

Hồi cuối tháng 11/2022, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital bán hết toàn bộ hơn 36 triệu cổ phiếu HPX và giảm tỷ lệ sở hữu từ trên 11,9% về 0%.

Liên quan đến Hải Phát Invest, hôm 14/3, công ty bất động sản ở Bắc Giang này đã nhanh chóng giải thể sau khi thành lập chưa được một năm, trong bối cảnh thị trường địa ốc ảm đạm, nhiều doanh nghiệp sụt giảm dòng tiền và gặp khó vì nợ nần.

Doanh  nghiệp của ông Đỗ Quý Hải gặp khó từ nửa cuối năm 2022. (Nguồn: HPX)

Gần đây, Hải Phát đã tổ chức bất thành Đại hội đồng cổ đông bất thường do không đủ số lượng cổ đông theo luật định và điều lệ công ty.

Hải Phát Invest sẽ thông báo kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần tới vào thời gian sớm nhất. Theo quy định, với đại hội lần thứ hai, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 33%.

Trong năm 2022, Hải Phát Invest ghi nhận doanh thu tăng 17,4% lên hơn 1.634 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm gần 57% xuống còn hơn 142 tỷ đồng so với năm 2021.

Năm 2022 cũng chứng kiến một thương vụ hy hữu với Hải Phát, khi phiên giao dịch ngày 30/11, thị trường chứng khoán ghi nhận một kỷ lục hiếm có: hơn 54% số lượng cổ phiếu đang lưu hành (hơn 165 triệu cổ) của CTCP Đầu tư Hải Phát được giao dịch thông qua khớp lệnh trên Sở GDCK TP.HCM trong chỉ một phiên. 

Như vậy, chỉ trong ít giờ phần lớn vốn của một doanh nghiệp bất động sản với nhiều dự án tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang,... đã được đổi chủ. 

Ông lớn địa ốc phía Nam hồi phục

Trong phiên giao dịch 24/3, cổ phiếu Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn bất ngờ quay đầu tăng kịch trần thêm 7%, lên 11.900 đồng/cp vào buổi chiều.

Cổ phiếu Novaland bứt phá trong bối cảnh doanh nghiệp này đón nhiều thông tin tích cực. Hôm 24/3, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (NVL) cho biết cổ đông của công ty đã thông qua kế hoạch tăng vốn khủng thêm hơn 29 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 1,2 tỷ USD). Nếu thành công, vốn điều lệ của Novaland sẽ tăng gấp 2,5 lần lên 48.750 tỷ đồng.

Cụ thể, cổ đông Novaland thông qua hai kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Novaland của ông Bùi Thành Nhơn đón nhiều tin tích cực. (Ảnh: NVL)

Novaland cũng dự kiến phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2023 (ESOP) với tỷ lệ tối đa 1,5% số cổ phần đang lưu hành của doanh nghiệp tại thời điểm phát hành với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp.

Trong ngày 24/3, Novaland thông báo về việc gia hạn ngày đáo hạn đối với hai lô trái phiếu thêm 1 và 2 năm sau khi đạt được thỏa thuận với các trái chủ.

Trước đó, tối 24/2, Novaland phát đi thông báo về việc phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền trị giá nhiều nghìn tỷ đồng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, Dallas Vietnam Gamma Ltd đã mua 4.435 trái phiếu chuyển đổi và 185 trái phiếu kèm chứng quyền, với tổng trị giá 4.620 tỷ đồng.

Cùng ngày, ông Bùi Thành Nhơn có tâm thư gửi các chủ nợ của Novaland mong muốn các tổ chức trong và ngoài nước đồng hành để vượt qua khó khăn trong bối cảnh bất khả kháng/thay đổi hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Novaland (NVL) cho biết, Novaland sẵn sàng thảo luận thiện chí với các bên cho vay, trái chủ và các chủ nợ khác bên cạnh việc xem xét thực hiện các khuyến nghị của các tổ chức trong và ngoài nước đưa ra.

Vinhomes của tỷ phú Vượng nổi sóng

Gần đây, cổ phiếu Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng có những phiên tăng trần sau loạt thông tin tích cực.

Cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes tăng giá 4 phiên liên tiếp từ 42.550 đồng phiên 20/3 đã tăng lên 49.000 đồng/cp hôm 24/3. Vốn hóa của Vinhomes tăng thêm hơn 28.000 tỷ đồng, tương đương tăng gần 1,2 tỷ USD sau tin có thể bán một phần dự án cho đối tác ngoại.

Cổ phiếu tăng mạnh, Vinhomes của ông Phạm Nhật Vượng vốn hóa tăng tỷ USD sau 4 phiên.

Cổ phiếu VHM tăng mạnh sau thông tin liên quan đến việc CapitaLand Development, nhánh phát triển bất động sản của Tập đoàn CapitaLand (Sigapore), đang đàm phán mua lại một phần dự án Ocean Park 3 tại Hưng Yên, hoặc một dự án khác ở phía Bắc Hải Phòng.

Dự kiến, đây sẽ là một trong những giao dịch bất động sản lớn nhất trong khu vực trong vài năm gần đây. Thị trường bất động sản Việt Nam trong cả năm qua trầm lắng.

Cùng với đó, thị trường trái phiếu đang có tín hiệu ấm trở lại sau gần một năm ảm đạm. Các công ty bất động sản và doanh nghiệp đầu ngành huy động cả tỷ USD trong hai tuần sau khi Chính phủ ban hành nghị định về trái phiếu gỡ khó cho doanh nghiệp.