Trong vòng 5 tháng qua, giá xăng dầu thế giới lao dốc khiến giá xăng dầu ở Việt Nam từ 24.500 đồng/lít xuống chỉ còn 15.500 đồng/lít, tức là giảm tới 36,73%. Người dân khấp khởi mừng vì đã trút bớt gánh nặng đè lên vai họ khi giá dầu tăng. Nhưng nỗi vui mừng đó không được trọn vẹn, vì chờ mãi mà giá cước ô tô vận tải cũng như giá hàng tiêu dùng vẫn giẫm chân tại chỗ hoặc giảm từ từ.

Nhiều người cho rằng công cụ quản lý của nhà nước không hiệu quả và kịp thời trong tình huống này đã làm cho người tiêu dùng chịu thiệt. Tuy nhiên, bài viết sẽ phân tích ở khía cạnh vi mô sự có lý của nghịch lý này.

Chỉ số giá tiêu dùng thường tăng nhiều hơn sự gia tăng của giá dầu

Trước hết, một sản phẩm được làm ra từ rất nhiều nguyên liệu đầu vào và qua nhiều trung gian vận chuyển. Dầu là đầu vào quan trọng của hoạt động sản xuất và vận chuyển tiêu thụ hàng hóa. Vì thế, chi phí sản xuất nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển cũng theo đó tăng lên cùng với giá dầu. Khi giá bán các nguyên liệu đầu vào tăng, giá các sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng cũng tăng.

Giá cước vận tải dù có giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của giá xăng dầu.

Nguyên nhân thứ hai là chi phí thực đơn. Kinh tế học dùng thuật ngữ này để nói đến một trong những tác động của lạm phát. Sự gia tăng của giá các yếu tố sản xuất buộc các nhà sản xuất phải tăng giá bán để có mức lợi nhuận như cũ.

Trong ngắn hạn, mức tăng giá là không lớn. Nhưng việc sửa lại (in ấn, phân phát lại,...) các thực đơn, các báo giá để phản ánh sự tăng giá cả, dù nhỏ nói trên, lại không nhỏ. Các doanh nghiệp phải chịu chi phí lớn hơn những lợi ích mà họ thu được nếu tăng giá bán sản phẩm của mình. Vì vậy, khi có sự kỳ vọng giá dầu tiếp tục tăng trong thời gian tới đã dẫn đến việc nhà sản xuất điều chỉnh giá nhiều hơn thực tế nó nên có để giảm thiểu chi phí in ấn lại nhiều lần.

Nguyên nhân khả dĩ thứ ba là lạm phát làm cho thu nhập thực của người tiêu dùng giảm đi. Nếu giá bán của hàng hóa tăng bằng với tốc độ tăng của giá dầu thì nhà sản xuất sẽ chỉ nhận được mức lợi nhuận như cũ.

Nhưng mọi nhà sản xuất cũng là những người tiêu dùng, do đó với mức thu nhập như cũ họ không thể mua được số lượng hàng hóa như trước, nghĩa là thu nhập thực của họ giảm đi. Vì vậy họ phải tăng giá bán cao hơn tốc độ tăng giá dầu và các nguyên liệu đầu vào khác để có mức thu nhập thực không đổi. Đó là chưa kể nhà sản xuất buộc phải tăng lương cho công nhân viên để họ cũng có mức thu nhập thực như trước, mà điều này lại càng làm cho chi phí càng đội lên cao.

Chỉ có giá dầu lao dốc, còn những thứ khác vẫn không đổi

Thứ nhất, nếu các doanh nghiệp đã điều chỉnh tiền lương cho công nhân khi có lạm phát cao xảy ra thì lại không dễ gì điều chỉnh giảm tiền lương của họ trong tình huống ngược lại, trong khi tiền lương là một trong những chi phí quan trọng góp phần quyết định giá bán của hàng hóa.

Thứ hai, quá trình sản xuất đòi hỏi phải ký hợp đồng nhập nguyên vật liệu trước đó một thời gian đủ dài, hoặc nguyên vật liệu đã mua rồi vẫn còn dự trữ trong kho. Do vậy, giá của nguyên vật liệu không giảm cùng lúc và cùng tốc độ với xăng dầu. Mức giảm giá hàng hóa không đủ để nhà sản xuất phải bỏ chi phí không nhỏ nhằm in lại nhãn mác, thực đơn.

Thứ ba, chi tiêu cho phương tiện đi lại hàng ngày của người dân ít hơn trước vì sự tụt dốc của giá dầu, trong khi tiền lương của công nhân khó có thể thay đổi trong ngắn hạn và giá thành sản phẩm vẫn giữ ở mức cũ đã làm tăng thu nhập thực của công nhân và cả nhà sản xuất, hay rộng hơn là phần lớn người tiêu dùng trong nền kinh tế.

Do đó cầu về hàng hóa dịch vụ lại tăng lên mà không có sự tác động của giá cả hàng hóa. Vì lẽ đó, theo cơ chế cung cầu của thị trường, nhà sản xuất không nhất thiết phải giảm giá bán để bán được số lượng hàng hóa như trước.

Ngoài ra, giá dầu giảm vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao thì sự kỳ vọng giá cả hàng tiêu dùng giảm nhiều hơn nữa là điều khó xảy ra, thậm chí có thể còn tăng nhẹ.

Tóm lại, nếu không có sự điều tiết của nhà nước, dưới tác động của giá dầu giảm mạnh, "bàn tay vô hình" sẽ dẫn dắt người tiêu dùng và nhà sản xuất đưa ra những quyết định cung cầu mà trạng thái cân bằng trên thị trường vẫn không thay đổi, nhưng lại được hình thành từ những nhân tố khác đã được đề cập ở trên.

Theo Phương Thảo/ Thời báo kinh tế SG