Chị Vàng Thị Cầu (người dân tộc Mông) - Tổ trưởng Tổ sản xuất của HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Sà Phìn A xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) chia sẻ với VietNamNet.

Lanh trắng xuất ngoại

Se lanh dệt vải là nghề truyền thống của người Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn. Song, trước đây người dân chỉ quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu mạnh ai nấy làm, ít quan tâm đến khái niệm liên doanh liên kết trong sản xuất để sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa. Chưa kể, hàng sản xuất giá rẻ Trung Quốc tràn vào khiến những tấm vải thổ cẩm dệt từ lanh càng khó bán hơn.

Cũng bởi vậy, đời sống của người dân trên cao nguyên đá vẫn còn nghèo khó.

Ấp ủ ý tưởng giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, đồng thời giúp người dân xã Sà Phìn (Đồng Văn) thoát nghèo, chị Vàng Thị Cầu và chị Sùng Thị Sy quyết định thành lập HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Sà Phìn A vào cuối năm 2017, đầu năm 2018 chính thức đi vào hoạt động.

Sau khi thành lập, chị Cầu cùng chị Sy xuống nhà các hộ dân trong xã vận động mọi người tham gia để có việc làm với thu nhập ổn định. Các chị em được dạy nghề thêu, dệt lanh và làm các sản phẩm từ lanh và rồi trở thành thành viên HTX Lanh Trắng.

W-htx-lanh-trang-xa-sa-phin-chon-tim-ve-cua-nhung-phu-nu-mong-khon-kho-5-1.jpg
Sản phẩm làm từ vải lanh thu hút nhiều khách du lịch quốc tế (Ảnh: L.B)

Từ chỗ sản xuất manh mún, khi tham gia HTX, các thành viên được phân công nhiệm vụ tùy vào khả năng gồm: người dệt, người may, người thêu, người nhuộm... Vùng trồng cây lanh nguyên liệu cũng dần được hình thành để lanh trắng vận hành sản xuất theo chuỗi khép kín.

Các sản phẩm từ lanh cũng được HTX thay đổi để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Đơn cử, người Mông trước đây chỉ dệt được vải lanh khổ 50cm, nhưng HTX cải tiến để dệt khổ 75cm và tiến tới sẽ đến khổ 90cm. 

“HTX bán sợi lạnh nguyên liệu, vải thổ cẩm, các sản phẩm thời trang từ lanh…”, chị Cầu nói. Theo chị, sản xuất theo quy mô hàng hoá nên sản phẩm lanh trắng đáp ứng được những đơn hàng lớn. Nguồn khách hàng ngày càng được mở rộng, lanh làm ra đến đâu bán hết đến đó.

Đơn hàng xuất khẩu đầu tiên của HTX là sản phẩm túi đựng tài liệu cho các đại biểu dự hội nghị của UNESCO. Sau đó, HTX nhận được các đơn hàng từ Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Mỹ. Ngoài ra, nhiều khách hàng nội địa cũng chọn nhập vải của Lanh Trắng để làm các sản phẩm thời trang thiết kế…

“Hiện nay, khách Lào đặt mua nhiều nhất. Hơn 60% sản phẩm lanh của HTX được xuất khẩu sang Lào. Họ không chỉ mua vải mà còn mua cả sợi lanh”, chị Cầu tiết lộ với PV.VietNamNet

Tại trụ sở trưng bày và bán sản phẩm của HTX cũng thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế, mang đến những trải nghiệm độc đáo ở cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là nguồn khách hàng tiềm năng, qua đó HTX có thể tiêu thụ sản phẩm và quảng bá hiệu quả thương hiệu Lanh Trắng nơi đây.

Mỗi năm thu vài tỷ, giúp người dân thoát nghèo

Tạo thành chuỗi sản xuất khép kín, làm sản phẩm hàng hoá ở quy mô lớn theo các đơn đặt hàng nên doanh thu của HTX Lanh Trắng liên tục tăng. 

Ngay trong năm đầu hoạt động (2018), HTX đã thu về gần 2,5 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, doanh thu dao động trong khoảng 3,6-4 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của các thanh viên trong HTX đạt 4-7 triệu đồng/người/tháng.

Con số không quá lớn, nhưng giúp nhiều hộ gia đình là thành viên của HTX tại xã Sà Phìn và huyện Đồng Văn thoát nghèo.

W-htx-lanh-trang-xa-sa-phin-chon-tim-ve-cua-nhung-phu-nu-mong-khon-kho-1-1.jpg
Nhiều hộ dân là thành viên của HTX Lanh Trắng trên cao nguyên đá Đồng Văn đã thoát nghèo (Ảnh: L.B)

“HTX có 131 thành viên. Đa phần đều là những hộ nghèo, đặc biệt khó khăn trong xã. Nhưng sau 5 năm HTX đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định, 40% hộ dân là thành viên đã thoát nghèo”, chị Cầu khoe.

Chị Sùng Thị Sy - Giám đốc HTX Lanh Trắng, thừa nhận, gia đình chị từng là hộ nghèo tại xã Sà Phìn. Nhưng nay có cuộc sống ổn định với mức lương khoảng 7-10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chồng chị cũng tham gia HTX với mức lương 3-4 triệu đồng/tháng. Gia đình chị Sy thực sự thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Không chỉ sản xuất lanh, HTX còn tham gia giới thiệu sản phẩm nhiều tỉnh thành để kết nối thị trường. Đồng thời, tổ chức các lớp dạy nghề, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng cao thoát nghèo. HTX cũng hỗ trợ 3 phụ nữ khởi nghiệp thành công về may mặc trang phục dân tộc và thêu dệt thổ cẩm.

Chị Sùng Thị Sy - Giám đốc HTX cho biết, các thành viên của HTX đều là những phụ nữ dân tộc thiểu số, phần lớn là những nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán quay trở về tái hòa nhập cộng đồng và là hộ nghèo đặc biệt khó khăn. 

Do đó, HTX hoạt động theo chuỗi khép kín. Từ trồng nguyên liệu đến làm ra sản phẩm đều là người trong xã Sà Phìn và huyện Đồng Văn. Bởi, mục đích của HTX là tạo nhiều công ăn việc làm cho bà con dân tộc vùng cao nguyên này.

Khi tham gia HTX, các hộ dân từng bước thoát nghèo. Đến nay, HTX đã có 55 hộ gia đình là thành viên thoát nghèo, chị Sy chia sẻ.

Tâm An