Mới đây, tờ New York Times quyết định đánh dấu 25 năm đầu tiên của thế kỷ 21 bằng một dự án đầy tham vọng: xác định những cuốn sách có ảnh hưởng nhất 1/4 thế kỷ qua. Ban biên tập đã đề nghị hơn 500 nhà văn, nhà thơ cùng những người yêu sách kể tên 10 tác phẩm hay được xuất bản từ ngày 1/1/2000.  

Cuốn sách đứng đầu danh sách là Người bạn phi thường của nhà văn Elena Ferrante. Ngoài ra, trong top 100 còn có 2 tác phẩm của nhà văn này là The Story of the Lost Child (Câu chuyện đứa trẻ thất lạc) và The Days of Abandonment (Những ngày bị bỏ rơi). 

Một lần nữa, câu chuyện về thân thế kỳ bí của nhà văn xuất sắc người Italy lại được cộng đồng yêu sách khơi lại. 

sach 1a.jpg
'Người bạn phi thường' đứng số 1 trong cuộc bình chọn Cuốn sách hay nhất thế kỷ 21 do New York Times tổ chức. Ảnh: IP

30 năm vẫn không lộ diện 

Elena Ferrante được độc giả toàn cầu biết đến nhiều sau bộ tiểu thuyết 4 tập, trong đó cuốn Người bạn phi thường xuất bản năm 2011 lập tức trở thành best-seller. Bà còn được tạp chí Time (Mỹ) xếp vào danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới năm 2016.  

Tuy nhiên, Ferrante luôn giữ bí mật về con người thật của mình kể từ khi xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay năm 1992 - Troubling Love (Tình yêu rắc rối). Bà có trả lời phỏng vấn nhưng chưa từng lộ diện trên truyền thông, xuất hiện trong các buổi họp báo. Ngay cả những người như biên tập, biên dịch, chủ nhà xuất bản cũng chưa từng gặp mặt bà. 

Ferrante và Sandra Ozzola - biên tập viên lâu năm của bà, có mối quan hệ thân thiết. Ozzola và Sandro Ferri đứng đầu nhà xuất bản Edizioni E/O, nơi phát hành tác phẩm của Ferrante trong nhiều thập kỷ. 

Tại Mỹ, Europa Editions là nơi xuất bản tác phẩm của Ferrante. Dù vậy, Tổng biên tập Michael Reynolds không biết Ferrante thực sự là ai và cũng không muốn tìm hiểu. “Tôi hoàn toàn không hứng thú và đã như vậy từ ngày đầu tiên”, Reynolds nói. 

Danh tính của Ferrante là bí mật ngay cả đối với dịch giả tiếng Anh lâu năm của bà - Ann Goldstein. Họ trao đổi thư từ suốt 20 năm qua nhưng phần lớn thông qua Ozzola. 

tinh ban phi thuong.jpg
'Người bạn phi thường' được chuyển thể series phim với hai nhân vật chính cũng là đôi bạn thân từ thuở bé - Lila và Elena. Ảnh: The Apartment

Qua năm tháng, Ferrante hé lộ một số thông tin cá nhân như bà lớn lên ở Napoli, con gái của một thợ may. Bà đã kết hôn và có con. Nhà văn lý giải, ban đầu, bà cảm thấy ngại ngùng: "Tôi sợ hãi khi nghĩ đến việc phải thoát ra khỏi vỏ bọc của mình".

Ferrante là người kín đáo nhưng không hề ẩn dật. Bà viết cho tờ Guardian và các báo của Italy. Bà cũng xuất bản cuốn sách Frantumaglia có thông tin cá nhân của mình và những trao đổi với các nhà báo. Khi trả lời phỏng vấn, bà thường xuyên chia sẻ suy ngẫm về tác phẩm của mình - ảnh hưởng, động lực, trạng thái tinh thần và lý do bà giấu kín bản thân. 

Truy tìm nhà văn ngoài đời thực 

Tháng 3/2016, Marco Santagata, tiểu thuyết gia và nhà ngữ văn người Italy, xuất bản một bài báo chia sẻ suy luận của ông về danh tính Ferrante. Bài viết của vị giáo sư dựa trên phân tích ngữ văn, các chi tiết cảnh quan thành phố Pisa, kiến thức về chính trị Italy hiện đại trong tác phẩm của Ferrante. 

Ông kết luận tác giả người Napoli, đã sống ở Pisa nhưng rời đi năm 1966. Do đó, Ferrante có thể là Giáo sư Marcella Marmo, người đã học ở Pisa từ năm 1964 đến năm 1966. Tuy nhiên, cả Giáo sư Marmo và nhà xuất bản đều phủ nhận. 

dich gia.jpg
Một phóng viên điều tra cho rằng dịch giả Anita Raja chính là nhà văn Ferrante. Ảnh: YouTube

Tháng 10/2016, phóng viên điều tra Claudio Gatti dựa trên hồ sơ giao dịch bất động sản và thanh toán tiền bản quyền để đưa ra kết luận Anita Raja, dịch giả ở Rome, là tác giả thực sự đằng sau bút danh Ferrante. Bài báo của Gatti bị nhiều người trong giới văn học chỉ trích là vi phạm quyền riêng tư. 

Tháng 12/2016, nhật báo El Mundo đăng tải cuộc phỏng vấn với Raja xác nhận bà là Elena Ferrante. Thông tin này nhanh chóng bị nhà xuất bản của Ferrante phủ nhận và tố cuộc phỏng vấn là giả mạo. 

Tháng 9/2017, một nhóm học giả, nhà khoa học máy tính, nhà ngữ văn và ngôn ngữ học tại Đại học Padua đã phân tích 150 cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Italy của 40 tác giả khác nhau, trong đó có 7 cuốn của Ferrante. 

Họ kết luận rằng chồng của Raja, tác giả và nhà báo Domenico Starnone, có thể là Ferrante. Raja đã làm việc cho E/O Publishing với tư cách là người biên tập sách của chồng trong nhiều năm. 

Tuy nhiên, Ferrante đã nhiều lần bác bỏ những ý kiến ​​cho rằng bà thực sự là đàn ông. Nhiều người hâm mộ của Ferrante cũng cho rằng tác giả này là một phụ nữ khi miêu tả các nhân vật nữ với sắc thái đa dạng đầy tinh tế, nhạy cảm. 

Trong một cuộc phỏng vấn qua email vào năm 2014, Entertainment Weekly đã hỏi Ferrante: “Bà có bao giờ hối hận vì đã không tiết lộ danh tính của mình không? Bà có cảm thấy bản ngã dâng trào khiến bà muốn mở tung cửa sổ và kêu lên: Chính tôi là người đã tạo ra thế giới này!”.

Câu trả lời của Ferrante rất rõ ràng: “Hình ảnh cửa sổ của bạn thật thú vị. Nhà tôi ở tầng trên, tôi sợ độ cao, còn bản ngã của tôi thấy vui vẻ khi tránh né được việc nhoài người ra ngoài cửa sổ”. 

Người bạn phi thường - phần mở đầu trong series 4 tập của Elena Ferrante, kể về thời thơ ấu và niên thiếu của Elena và Lila - hai cô bé sống trong một khu phố nghèo thuộc thành phố Napoli (Italy) những năm 1950. Lớn lên ở những con phố đầy khắc nghiệt, hai cô gái nhỏ có sự khác biệt, ghen tị, ganh đua nhưng cũng thân thiết, gắn bó, tình cảm. Số phận của người này phản chiếu lên số phận của người kia. Dưới lăng kính của Elena, nhà văn Ferrante kể về những biến chuyển của Napoli tăm tối, của Italy trong giai đoạn bùng nổ kinh tế sau Thế chiến, kéo theo vô vàn cảm xúc khác nhau trong mối quan hệ giữa 2 cô gái. 

Trailer series 'Người bạn phi thường'. Video: HBO