“Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đánh chìm tàu sân bay Sao Paulo ở vùng nước sâu 5.000m cách bờ biển Brazil 350km. Nơi đánh chìm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Brazil”, hãng tin CNN dẫn thông cáo từ Hải quân Brazil.
Theo CNN, Hải quân Brazil vào năm 2021 đã bán tàu Sao Paulo cho một xưởng đóng tàu ở Thổ Nhĩ Kỳ để tháo dỡ làm phế liệu.
Tuy nhiên, khi di chuyển tới eo biển Gibraltar, tàu sân bay trên bị Ankara cấm cập cảng với lý do thân tàu chứa chất độc hại được sử dụng trong công nghiệp đóng tàu của thế kỷ 20. Con tàu đành phải quay đầu. Brazil cũng không muốn Sao Paulo trở lại, vì con tàu “quá cũ nát và có nguy cơ bị chìm”.
Theo trang Military Today, Sao Paulo (tên khác là Foch) thuộc lớp Clemenceau từng phục vụ trong Hải quân Pháp từ năm 1963. Khi Pháp loại biên tàu vào năm 2000, Brazil đã mua lại và đặt tên là Sao Paulo. Tàu dài 265m; sườn ngang rộng nhất là 31,7m; mớn nước 8,6m. Trọng tải tối đa lên tới 34.000 tấn.
Tàu cần tới 6 nồi hơi Indret và 4 động cơ tuabin khí để hoạt động. Vận tốc tàu có thể đạt 59 km/h, với tầm hoạt động lên tới 13.900km.
Do tác chiến trên biển, Sao Paulo được trang bị nhiều loại radar tầm xa hoặc thiết bị điện tử có thể phát hiện các mục tiêu trên biển, trên không hoặc dưới mặt biển. Chẳng hạn, loại radar DRBV-23B được lắp trên tàu có thể theo dõi máy bay đối phương ở khoảng cách 278km.
Hệ thống vũ khí phòng thủ được lắp đặt trên Sao Paulo khá đa dạng, như bốn hải pháo GIAT sử dụng cỡ đạn 100mm; hai hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Crotale ‘rắn chuông’; bốn bệ phóng tên lửa Simbad…
Tuy nhiên, điều làm nên sức mạnh của Sao Paulo nằm ở số lượng máy bay mang theo. Khoang thân trong của tàu có thể chứa tới 22 tiêm kích và 17 trực thăng các loại.
Video: Tàu Sao Paulo tham gia tập trận vào năm 2002. Nguồn: Youtube