Cuộc đối đầu Nga-NATO hiện đang trong giai đoạn leo thang lớn nhất như thời Chiến tranh Lạnh. Quan hệ giữa Nga - Mỹ mới được nhen nhóm thì trong khối quân sự-chính trị vốn có truyền thống chỉ đạo Mỹ, lại đang có những con diều hâu lơ lửng trên đầu...
Tại Hội đồng An ninh Liên bang khi đề cập đến việc mở rộng về sườn đông của NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: Liên minh không ngừng nỗ lực khiêu khích Nga, tìm cách lôi kéo Moscow vào một cuộc đối đầu và luôn cố gắng can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước.
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Tổng thống Vladimir Putin cho biết, việc khối quân sự phương Tây này mở rộng vốn đã có từ trước, nhưng giờ đây các nước thành viên đã tìm được mục đích lớn hơn cho việc mở rộng của mình.
Ông lưu ý rằng, việc NATO kết nạp thêm thành viên là nhằm ngăn chặn Nga - quốc gia được coi là mối đe dọa an ninh chính của họ. Người đứng đầu nhà nước Nga cũng nhấn mạnh rằng, trên thực tế kể từ lần đầu tiên năm 1989 cho đến Hội nghị thượng đỉnh NATO trong tháng 7/2016 tại Warsaw vừa qua thì nhiệm vụ chính mà Liên minh đặt ra là ngăn chặn/ kiềm chế Liên bang Nga.
Nhà phân tích chính trị Aleksey Jivov lý giải: "Điều đầu tiên cần nhớ đó là cam kết của rất nhiều đồng minh NATO, mà dẫn đầu là Mỹ đã thực hiện một cuộc mặc cả với Đức để đảm bảo NATO không mở rộng về phía Đông Âu. Tổng thống Putin trước đây đã nhiều lần đề cập, rằng Hoa Kỳ và các đồng minh của mình đã vi phạm các thỏa thuận thực hiện sau đó.
Do đó, bất kỳ tài liệu nào được ký kết giữa Liên Xô với NATO, hoặc giữa NATO với Nga mà liên quan đến tính trung lập của Đông Âu đều không tồn tại. Các bản tốc ký của cuộc đàm phán năm 1990 đã lưu lại tất cả những cam kết của chính quyền Mỹ với các nhà lãnh đạo Liên Xô. Điều này cũng được chứng minh bởi rất nhiều tài liệu chính thức thời kỳ đó.
NATO đã không những không giữ lời hứa ngừng mở rộng 27 năm trước ở Đức, mà còn làm tất cả để Thủy quân lục chiến Mỹ hiện diện ở khu vực hạm đội Nga thuộc Baltic, cách St. Petersburg chỉ 100km, và khiêu khích lực lượng biên phòng Nga tại Biển Đen vào mùa Đông năm 2016".
Là người theo dõi các chính sách đối ngoại của Mỹ trong một thời gian dài, chuyên gia Jivov nhận định: "Trên thực tế, rất nhiều những thứ Hoa Kỳ đang tiến hành hiện nay đã được thực hiện ở Liên Xô. Sau một thời gian ngắn phấn khích về "người của chúng ta" ở Washington, rõ ràng "người bạn của Putin" ở Mỹ sẽ trở thành chính trị gia thực dụng với chính sách cứng rắn không từ bỏ quyền lợi của nước này.
NATO và Ukraina sẽ là vấn đề đau đầu và nghiêm trọng đối với Nga. Với NATO, Nga cũng là mối đe dọa số 1. Và bây giờ phải quyết định số phận của Liên minh. Liệu Nhà Trắng sẽ tiếp tục chi tiền cho một đội quân toàn cầu, hay tự giải quyết các vấn đề của mình và để cho châu Âu có chủ quyền quân sự. Tôi cho rằng chính vì cột mốc quan trọng này mà khối liên minh quân sự liên tục kích động về sự xâm lược của quân đội Nga và kế hoạch chinh phục gần như toàn bộ châu Âu của chúng ta".
Tại sao NATO luôn coi Nga là mối đe dọa số 1? |
Như các chuyên gia nhận xét, tại Ba Lan, tư tưởng Russophobia (ghét Nga) và những ảo tưởng về thế lực xâm lược Nga được coi là chính sách quốc gia và được giảng dạy tại các trường học. Huyễn hoặc Nga đang có kế hoạch chinh phục các quốc gia Baltic từ lâu được đề cập cả ở điện ảnh Mỹ.
Ông Jivov tóm lại: "Nhiều năm trước cuộc khủng hoảng Ukraina, NATO đã vây quanh Nga cả bằng lực lượng mặt đất, tên lửa và hải quân. Thậm chí một đồng minh bất ngờ xuất hiện là Gruzia. Những gì không xảy ra với Gruzia thì đã xảy ra ở Ukraina. Thật không may, Ukraina lại bóp cò quá gần "ngôi đền Nga", khiến nước này phải can thiệp vào vấn đề ở Crưm và xa hơn nữa là các sự kiện ở Donbass.
Tất cả cần được hiểu rõ. Toàn thời gian đó, Nga thậm chí còn đặt hy vọng rằng châu Âu phi quân sự hóa, giảm số lượng vũ khí và thường đưa ra những yêu cầu chung chung cho các nước phương Tây, nhưng chính phương Tây lại chậm rãi từng bước thắt chặt “thòng lọng” quanh nước Nga. Và khi Ukraina châm ngòi, thì Nga đã làm trái với mong muốn của họ mà phản ứng gay gắt. Đừng nên nuôi ảo tưởng vô căn cứ, NATO từng có mục tiêu thống nhất nước Đức năm 1990, và NATO đã và đang có mục tiêu tách rời Nga khỏi ảnh hưởng khu vực".
Như nhà phân tích chính trị Andrei Kovalenko đã giải thích, nhà lãnh đạo Nga rõ ràng đang trên đường tăng cường chính sách đối ngoại và ông cũng hiểu rõ rằng chẳng có mũi tên nào hướng đến địa chỉ Trump lại đi đúng hướng. Những tuyên bố của hành động khiêu khích liên tục từ phía NATO chính là phản ứng với đề nghị "trao đổi trên quan điểm sức mạnh".
Ông Andrei Kovalenko kết luận: "Chẳng thành vấn đề. Nếu như NATO muốn tiếp tục trò chuyện theo cùng hướng với chúng ta. 10 năm sau bài phát biểu của ông Putin tại Munich, chúng ta vẫn tồn tại và sẽ tiếp tục. Ông Trump cần đồng minh trong cuộc chiến chống IS và hâm nóng quan hệ với Nga. Nếu không thì chúng ta cũng sẵn lòng đối thoại. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm khắc nghiệt hơn thế. Đối với nước Nga, áp lực là chuyện thường và vì thế hãy để Nhà Trắng điều chỉnh quan điểm của mình chứ không phải ngược lại. Chắc chắn chúng tôi sẽ không thương lượng về vấn đề Donbass, Crưm và Syria".
Nhà chính trị học, chuyên gia Viện các nước SNG, ông Ivan Skorikov lưu ý rằng cuộc đối đầu Nga-NATO hiện đang trong giai đoạn leo thang lớn nhất như thời Chiến tranh Lạnh. Và thú vị là dù mối quan hệ giữa Moscow với Washington mới được cho là mới khởi động thì trong khối quân sự-chính trị vốn có truyền thống chỉ đạo Mỹ, lại đang có những con diều hâu lơ lửng trên đầu.
Ông Ivan Skorikov kết lại: "Nga không ngừng bị khiêu khích và cáo buộc không chứng cứ để bị tách biệt. Gần đây, truyền thông phương Tây còn bịa đặt rằng Moscow sẵn sàng đổi Snowden để lấy quan hệ với ông Trump. Rõ ràng đấy là tin vịt được tạo ra để thử phản ứng của Nga. Tổng thống Putin luôn làm tốt việc bỏ qua các cuộc tấn công của những kẻ khiêu khích bên trong hoặc ngoài nước, và như người ta vẫn nói: "chó cứ sủa và đoàn người cứ đi".
Theo Infonet